Tỉ lệ cận thị của học sinh nhiều thành phố tại Đông Á lên tới 80-90% - Ảnh: CNN |
Theo CNN, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh cận thị đã tăng lên 2-3 lần ở Đông Á trong 40 năm qua. Tại Hong Kong, Singapore và Đài Loan, tỉ lệ trẻ em và thiếu niên mắc bệnh cận thị lên tới 80%.
Ở Hàn Quốc, tỉ lệ thanh niên 20 tuổi phải đeo kính cận tăng từ 18% năm 1955 lên tới 96% năm 2011.
Đây không chỉ là vấn đề của châu Á mà là cả thế giới. Tỉ lệ cận thị ở trẻ em tại các nước phương Tây như Đức và Mỹ cũng đang tăng nhanh.
Bác sĩ Michael Chiang, người phát ngôn Viện Nhãn khoa Mỹ, cho biết hiện tỉ lệ thiếu niên mắc bệnh cận thị ở Mỹ vào khoảng 40%.
Liệu pháp đơn giản...
Đại dịch cận thị bùng nổ ở Đông Á khiến giới chuyên gia đặt câu hỏi nguyên nhân tại sao hiện tượng này xảy ra.
Nhiều nghiên cứu cho rằng việc học quá lâu trong điều kiện ánh sáng yếu, hay nhìn màn hình điện thoại quá nhiều là nguyên nhân dẫn tới đại dịch này.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng vấn đề lớn nhất là trẻ em châu Á không được vận động ngoài trời nhiều, do đó không được tiếp xúc đủ lâu với ánh nắng mỗi ngày.
“Nếu trẻ em vận động ngoài trời nhiều thì dù có học chăm đến mấy cũng sẽ không bị cận” - CNN dẫn lời chuyên gia Ian Morgan thuộc ĐH Quốc gia Úc (ANU).
Nhóm nghiên cứu ANU khẳng định trẻ em và thiếu niên rất cần tiếp xúc với ánh nắng trong những năm phát triển đầu đời vô cùng quan trọng, khi thị giác của trẻ còn đang phát triển.
Đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được ánh nắng mặt trời bảo vệ đôi mắt như thế nào.
Một nghiên cứu cho rằng ánh nắng mặt trời làm tiết ra chất dopamine trong võng mạc. Nghiên cứu khác khẳng định ánh sáng xanh trong nắng bảo vệ mắt khỏi bệnh cận thị.
“Giải pháp là rất đơn giản. Hãy để bọn trẻ chơi ngoài trời nhiều, bắt chúng học ít thôi” - giáo sư dịch tễ Seang Mei Saw thuộc ĐH Quốc gia Singapore (NUS) nhấn mạnh.
Lớp học trong suốt tại Quảng Đông Ảnh: CNN |
... Nhưng không dễ thực hiện
Tuy nhiên ở châu Á, nơi xã hội đặt nặng vấn đề học hành và bằng cấp, không dễ để trẻ em có nhiều thời gian hoạt động ngoài trời nắng.
“Vấn đề là giáo viên và cả phụ huynh không muốn con em mình chơi nhiều. Điều đó ảnh hưởng lớn tới thời gian ngoài trời của trẻ em” - giáo sư Nathan Congdon thuộc ĐH Sun Yat Sen ở Trung Quốc cho biết.
Giáo sư Saw cảnh báo đại dịch cận thị ở giới trẻ sẽ gây những hậu quả xã hội nghiêm trọng. Những đứa trẻ sẽ lớn lên và già đi với cặp kính cận.
Ở độ tuổi cao, họ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ rối loạn thị giác nghiêm trọng như tăng nhãn áp, đục nhân mắt... có thể dẫn tới suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí bị mù.
Hiện tại các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm một số cách để giúp học sinh tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn.
Tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), một trường tiểu học có các “lớp học trong suốt”. Tường và trần của lớp học làm bằng nhựa trong suốt, cho phép ánh nắng xuyên qua.
Trong một nghiên cứu ở Đài Loan năm 2013, giáo viên không cho học sinh vào lớp trong giờ nghỉ, buộc các em phải ra ngoài trời vận động.
Các học sinh được tiếp xúc với ánh nắng thêm 80 phút mỗi ngày. Kết quả là rất ít học sinh trường này bị bệnh cận thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận