25/08/2004 20:05 GMT+7

"Đại ca" của trẻ em đường phố

CẨM VĂN KÌNH
CẨM VĂN KÌNH

TT - Lần đầu tiên về cố hương, Jimmy Phạm chỉ là một Việt kiều Úc làm hướng dẫn viên du lịch dẫn khách đến TP.HCM. Thế nhưng những khung cảnh lạ ở đất nước mà mẹ Phạm được sinh ra đã giúp anh có một cái nhìn rộng hơn về cuộc đời.

l4LDBGdi.jpgPhóng to
Tổng thống Bill Clinton (đứng bên trái) chụp ảnh lưu niệm với thầy trò Trung tâm Koto (Jimmy Phạm đứng cách ông Clinton một em gái)
TT - Lần đầu tiên về cố hương, Jimmy Phạm chỉ là một Việt kiều Úc làm hướng dẫn viên du lịch dẫn khách đến TP.HCM. Thế nhưng những khung cảnh lạ ở đất nước mà mẹ Phạm được sinh ra đã giúp anh có một cái nhìn rộng hơn về cuộc đời.

Những cú sốc và lòng trắc ẩn

“Trong cuộc đời đó, mình được lớn lên với tất cả mọi đủ đầy. Trong khi có quá nhiều đứa trẻ chỉ nghĩ, thèm một bữa ăn...”.

Từ sự so sánh hơi khập khiễng đó, đầu tiên Phạm mời những đứa trẻ lang thang anh gặp trên đường đi ăn phở. Ba, năm rồi 60 em... Nhờ vậy anh đã biết nhiều hơn về cuộc sống của trẻ lang thang và anh đã không thể dứt áo ra đi.

Anh bảo bị sốc khi biết có những đứa trẻ cả nam lẫn nữ mới chớm tuổi vị thành niên, khi chúng vừa biết xấu hổ giới tính đã phải đấu tranh giữa một bên là tiền và một bên là nhu cầu thân thể.

Nhiều em đã chấp nhận mất tiền để “tắm dè”, mỗi tuần bỏ ra 4.000đ để hai lần được đứng trong mấy tấm cót bên bờ kênh xối nước vào người rũ đi bụi bặm. Jimmy chưa giỏi tiêu tiền Việt nhưng đã tính được: “So với số thu nhập khoảng trên 10.000 đồng/ngày thì khoản kia không phải là nhỏ”.

Rồi một tình huống khiến tim anh thắt lại. Phạm kể: một lần anh gặp lại hai mẹ con người ăn xin. Đứa bé anh từng mời đi ăn phở kiên quyết không ra xin tiền chú Phạm đã bị bà mẹ thẳng tay túm tóc đập đầu vào tường rớm máu. Đứa bé sau đó đã chết do một cơn sốt, chỉ vì... không có thuốc chữa. Chính những cảnh đời này đã giữ chân anh ở lại VN.

Muốn giúp chưa hẳn đã dễ. “Có lúc tưởng đã phải thua chúng - Phạm thú thật - Nhiều lần mình mua quần áo đến cho, vừa quay lưng đã phải nghe chúng văng tục, nói sao chỉ cho có thế”. Ngay cả khi gộp được một nhóm những đứa khó khăn nhất để hỗ trợ tiền thuê nhà, sau một thời gian dài chu cấp Phạm mới biết mình đã bị lừa. Giá thật chỉ có 400.000 đ/tháng nhưng chúng nói lên 2 triệu đồng để ăn chênh lệch.

Trong nghề, chúng cũng có rất nhiều cách “chăn Tây”. Đơn giản nhất là bám theo cả chục kilômet, khi nào khách mua mới thôi. Cao tay hơn, có đứa lân la bắt chuyện rồi làm thân với người nước ngoài. Khi đó chúng nhận dẫn khách đi chơi không lấy tiền. Suốt mấy buổi tận tình, khách có cho tiền chúng cũng kiên quyết không lấy. Nhưng khi Tây tò mò hỏi về ước mơ, chúng sẽ trả lời là muốn... được đi học.

L7tZkcLb.jpgPhóng to
Học viên Trung tâm Koto trong giờ thực tập tại khách sạn Metropole - Ảnh: K.T.
Không ít vị cảm động... Vẫn không lấy tiền ngay. Chúng sẽ dẫn khách xuống phố Quang Trung, vào trung tâm ngoại ngữ để mua phiếu. Xong, chúng lại thủ thỉ: muốn đi học phải có quần áo đàng hoàng và một chiếc xe đạp... Khi khách về nước rồi, cả thẻ học lẫn xe đạp chúng đem đi bán.

Được học mọi tiểu xảo, giận dữ, buồn, cảm giác... cay đắng cũng có, nhưng rồi Phạm vẫn bám đường. Anh tâm niệm: chơi với trẻ đường phố nghĩa là phải chấp nhận tất cả bụi bặm mà chúng thu nhận được. Nhưng điều này cũng dạy cho Phạm biết: muốn giúp trẻ lang thang không gì bằng cho chúng một cái nghề.

Đổi đời cho những mái đầu xanh

Suốt năm 1999 Jimmy Phạm chạy như con thoi, vừa lo mọi cơ sở để mở một quán bán cà phê, bánh sandwich cho khách du lịch, vừa làm hướng dẫn viên để lấy tiền nuôi ý tưởng. Đến tháng 6-1999 quán khai trương, có chỗ để trẻ thực hành, trực tiếp có thu nhập.

Rồi tới giữa năm 2000, với sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện, Phạm đã hoàn thiện ý tưởng khi mở được Trung tâm dạy nghề Koto, tuyển những đứa trẻ lang thang hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để dạy hai nghề: làm bếp và phục vụ quầy bar.

Lăn lộn liên hệ với các tổ chức tình nguyện để tìm thầy, mỗi năm hai khóa, đến nay hàng trăm đứa trẻ từ xuất thân khốn khó đã chững chạc làm trong các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng như Sofitel Metropole, Mediterraneo... với mức lương 200-300 USD/tháng. Và không phải ngẫu nhiên, trong chuyến thăm VN, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chọn trung tâm thực hành của Koto để ăn trưa cùng toàn bộ đoàn tùy tùng.

“Mình không quan tâm đến chuyện ông tổng thống lắm đâu”, có lẽ vì vậy mà tại sảnh của nhà hàng, cũng là nơi thực hành của Trung tâm dạy nghề nhân đạo Koto đặt tại 61 Văn Miếu (Hà Nội), không hề thấy ảnh tổng thống Bill Clinton mặc dù ông đã ngồi hơn nửa tiếng và đi bắt tay từng đứa trẻ đường phố vừa phục vụ đoàn.

Thay vào đó là những bức ảnh nói về chính những đứa trẻ lang thang. “Mình muốn giúp những em vừa may mắn thoát khỏi cám dỗ và sự khốc liệt của đường phố sẽ biết giúp lại những đứa trẻ không may mắn khác”.

Đi học không mất tiền mà lại có lương, nhiều đứa trẻ khi nghe nói về Trung tâm Koto đã không đến vì... không tin. Jimmy Phạm bảo anh từng ngồi phỏng vấn rất nhiều trẻ đường phố. “Tôi hay hỏi ước mơ của em là gì, giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời các em... Có đứa trả lời: chưa có lúc nào thấy hạnh phúc!”. Phạm cảm động: “Khi trực tiếp nghe những đứa trẻ nói, có thể bạn cũng sẽ khóc”.

Và chính anh, để xác minh, đã từng về tận nhà nhiều đứa trẻ. “Mình không thể tin được, có gia đình mà bố không đi được, mẹ mù, bà bị liệt”. Biết nhiều trẻ sống lang thang nhưng số tiền chúng dành dụm được gửi về nhà là nguồn sống quan trọng, có khi là quyết định đối với cả gia đình, nên trong 18 tháng chúng học nghề, Phạm tìm nguồn tài trợ và trực tiếp lấy ngân sách của tiệm ăn để cấp học bổng cho mỗi em 600.000đ/tháng.

Từng lăn lộn rất nhiều ở đường phố, biết đủ mánh kiếm tiền của đám trẻ nên những học viên của Koto đã... trân trọng đặt cho Phạm một biệt danh cũng rất đường phố: “đại ca”. “Đại ca” đã giúp hoán đổi số phận cho nhiều em, nhưng anh cũng day dứt: “Mình từng ngồi phân tích đủ lẽ cho một đứa trẻ: một bên em sẽ có một nghề ổn định, một bên em sẽ có tiền ngay nhưng rất tủi nhục.

Em đó đã trả lời ráo hoảnh: cảm ơn đại ca, nhưng em chọn con đường thứ hai, ở lại Koto, mỗi tháng chỉ được 600.000 đồng, trong khi chỉ cần trao tay một ông khách nước ngoài, mỗi đêm em có thể được 50 USD dễ dàng”... Phạm kể chính anh từng phải dẫn một em gái nhỏ đến bệnh viện do bị lạm dụng tình dục. Vì vậy, trong chương trình học ở Koto, cùng với học nghề, trẻ lang thang còn được dạy rất kỹ môn giáo dục giới tính.

Nhờ chất lượng đào tạo và sự liên kết chặt chẽ với các nhà hàng, khách sạn, tất cả những em từng học nghề ở Koto nay đều đã có việc làm ổn định. “Điều quan trọng nhất là khi ra khỏi trung tâm, các em đã không còn là trẻ lang thang nữa” - Jimmy tâm đắc nhất điều này.

Và hiện tại vị “đại ca” của trẻ đường phố đang có ý định mở rộng mô hình dạy nghề ra nhiều thành phố khác của VN, trước tiên sẽ là TP.HCM, Huế và Cần Thơ. Phạm chỉ cười khi có người bảo anh đã làm được nhiều việc quá lớn lao. Anh tiết lộ: “Có ai biết rằng không ít lần tôi sang VN mà chỉ có 200 USD trong túi”!...

CẨM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên