Toàn cảnh kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII |
Lời cam kết của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc rằng từ kỳ họp sau sẽ siết chặt việc bằng thẻ từ (thẻ thông minh) không khiến cử tri yên tâm hơn mà nhiều người tỏ ý thất vọng với việc phải dùng tới biện pháp rắn để điểm danh đại biểu Quốc hội.
Bạn đọc Khanh Mỹ Hiệp (địa chỉ mail utkhanh.dienmay@...) phản hồi về Tuổi Trẻ đầy bức xúc: "Đại biểu quốc hội là người được tín nhiệm "đầy mình" nhưng phải để dùng biện pháp để hạn chế vắng mặt. Thật đáng buồn!"
Bạn đọc Thanh Nhan thì tỏ ra thất vọng: "Là đại biểu của dân, là tiếng nói của dân, đi họp là để có ý kiến, kiến nghị, thông qua các chính sách, quyết sách mà lại nghỉ, trốn họp thì đúng là hết cách rồi. Cử tri bầu nhầm người rồi!"
Qua theo dõi thông tin về Quốc hội, bạn Thanh Nhan tiếp: "Tôi theo dõi có những vị đại biểu quốc hội cả một kỳ họp, một nhiệm kỳ chẳng có ý kiến phát biểu nào.
Điểm danh chỉ thấy một số vị quen quen là mạnh dạn ý kiến, chất vấn. Đây có thể là các vị còn ngại tiếp xúc chỗ đông người hay không nghĩ ra được điều gì để ý kiến?".
Đáng buồn khi phải dùng thẻ thông minh điểm danh đại biểu
Theo phương án mà Quốc hội đưa ra, mỗi đại biểu quốc hội được phát một thẻ từ. Khi vào họp, đại biểu cắm chiếc thẻ đó vào vị trí trên mặt bàn nơi ngồi. Cắm thẻ vào mới khởi động được tất cả các hệ thống như điện, máy tính, nút bấm điện tử nên qua đó cũng điểm danh được đại biểu.
Nhiều ý kiến phản hồi cũng tỏ ý không tin tưởng biện pháp này có thể hạn chế sự vắng mặt của các đại biểu bởi các đại biểu (nếu muốn), vẫn có thể nhờ người cắm thẻ điểm danh hộ.
Theo bạn đọc Huy Da (huy@...): "Đã điểm danh hộ thì cắm thẻ hộ cũng có sao?". Hay như bạn đọc Nguyễn Xuân Vui: "Phải có biện pháp phòng đại biểu nhờ đại biểu ngồi bên cắm thẻ vào hộ chứ".
Còn bạn đọc Nguyên Tân PR thì hài hước: "Hôm nay tôi bận, có việc đột xuất, thẻ đây, nhờ anh điểm danh giúp nhé !!!"
Nhiều bạn đọc khác cho rằng "thẻ thông minh" thì đại biểu Quốc hội cũng thông minh với nhiều cách để vắng họp, thế nên cách dùng thẻ thông minh để điểm danh đại biểu chưa phải là giải pháp, thậm chí còn làm dân tốn thêm tiền cho cái việc kiểm soát đại biểu của họ.
Xử nghiêm đại biểu vắng họp quốc hội!
Cho rằng các đại biểu Quốc hội được người dân tin bầu là những người đại diện nói tiếng nói của người dân, thay mặt nhân dân có ý kiến với những quyết sách của quốc gia thì người đại biểu cần phải làm tròn trách nhiệm đại biểu và giữ đúng niềm tin của cử tri.
Hầu hết các phản hồi của bạn đọc đều cho rằng cần áp dụng chế tài nghiêm đối với đại biểu trốn họp.
+ Áp dụng phương pháp đơn giản của Trường học: học viên chính qui vắng quá số buổi qui định thì cấm thi. Đại biểu vắng nhiều thì Quốc hội quyết định cho thôi công việc Đại biểu của vị đó trừ những Đại biểu có công tác đặc biệt quan trọng. (Nguyen Phuoc Tho - tho.kiengiang@...)
+ Là đại biểu sao không tự giác những việc này cơ chứ, đã như thế thì làm sao mà nhân dân tin tưởng, tín nhiệm được? (Hane - hannie1333@...).
+ Toàn những người có chức vụ cao trong xã hội vậy mà cũng vắng họp không lý do. Giống học sinh cúp cua quá! (Nguyễn Thanh Trừu - nguyenthanhtruu@...)
Theo kiến nghị của bạn Trần Thụy, Quốc hội cần tăng cường công tác quản lý đại biểu, không chỉ xử nghiêm các đại biểu bất tuân thủ quy định làm việc mà cũng cần nâng cao chất lượng đại biểu hơn nữa, bạn đọc Trần Thụy viết.
"Đại biểu quốc hội là những người thuộc cơ quan quyền lực nhà nước, góp tiếng nói quyết định những vấn đề đại sự của quốc gia, góp phần ban hành pháp luật nên không thể chấp nhận những đại biểu bất tuân kỷ luật như thế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận