Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) - Ảnh: Quochoi.vn
Đây cũng là nội dung tập trung đa số ý kiến và nhận được nhiều tranh luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật công an nhân dân sửa đổi sáng 14-6.
Kinh tế khó khăn mà tướng lĩnh "hơi bị nhiều"
Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết thời gian qua người dân có nhiều băn khoăn về cả thời gian lên tướng và số lượng cấp tướng.
"Hiện nay việc phong hàm lên nhanh, chất lượng tướng lĩnh cũng gây tranh cãi, thậm chí có tướng lĩnh vi phạm pháp luật như đã xảy ra ở một vài vụ việc gần đây", đại biểu Lâm Đồng nói.
Theo đại biểu này, nếu áp dụng việc phong hàm thiếu tướng cho giám đốc công an các tỉnh, thành thì sẽ "vênh" với quân đội, vì chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trần chỉ là đại tá.
Bất cập là ở chỗ khi có tình huống quân sự xảy ra tại địa phương thì quân đội sẽ đứng ra chỉ huy, công an tham gia hỗ trợ.
Tương tự, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) nói rằng tình hình an ninh trật tự thời bình không quá phức tạp, trong khi kinh tế đất nước đang khó khăn mà "tướng lĩnh hơi bị nhiều".
Đại biểu Khánh Ho2a cũng lo ngại việc tổ chức các cục đặc biệt trong Bộ Công an sẽ có rất nhiều tướng lĩnh làm cấp phó.
"Tôi đề nghị chỉ phong cấp tướng cho những người trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu, đấu tranh trong các lĩnh vực phức tạp", ông Thịnh nói.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) sử dụng quyền tranh luận để phản biện đại biểu Nguyễn Tạo: "So sánh cấp hàm giữa công an với quân đội là chưa thật sự đúng. Quân hàm là thước đo thể hiện năng lực, phẩm chất của người chỉ huy. Còn giám đốc công an tỉnh hay chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ là chức vụ".
"Khi có tình huống liên quan đến an ninh trật tự xảy ra thì cũng đã có quy định là ở mức độ nào thì cần tướng chỉ huy, mức độ nào thì chỉ cần cấp tá", đại biểu Bắc Giang cho rằng trong thời bình cần có một bộ khung quy định rõ số lượng tướng, tá.
Tránh "điền vào chỗ trống"
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu con số tướng lĩnh trong toàn quân đội hiện nay là trên 400, con số này ở ngành công an là 205. Ông Cầu tán thành hàm tướng đối với các tỉnh, thành thuộc đơn vị hành chính loại 1.
"Giám đốc công an tỉnh không chỉ là lực lượng đảm bảo an ninh trật tự trị an ở địa phương mà còn là lực lượng cán bộ nguồn để đề bạt, cung cấp luân chuyển cho Bộ Công an", ông Cầu nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) - Ảnh: VTV
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), việc phong hàm cấp tướng phải thực hiện theo hướng gắn với chức vụ, tránh tình trạng phong hàm theo kiểu "đến hẹn lại lên" hoặc phong hàm để bổ nhiệm "điền vào chỗ trống" trước khi điều động, bổ nhiệm chức vụ.
Ông Nhưỡng chỉ ra phong hàm nhanh, không theo chức vụ dẫn đến tình huống oái oăm là người có cấp hàm cao hơn lại làm lính của người có hàm thấp hơn.
"Ở Hà Nội đã có chuyện đội trưởng mang hàm thượng úy chỉ huy rất nhiều anh em cấp dưới hàm thiếu tá. Các anh em đó nói với tôi rằng họ rất tâm tư", ông Nhưỡng cho rằng cần siết chặt lại số lượng tướng, tá.
Nêu ý kiến về chủ trương chính quy hoá công an tại 820 xã trên toàn quốc, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng cần xem xét và làm theo lộ trình: "Xã phức tạp thì đưa công an chính quy về trước để có sự chuẩn bị, tránh gây tâm tư cũng như lãng phí kinh phí nhà nước đã bỏ ra để đào tạo bộ máy công an xã bán chuyên trách duy trì lâu nay".
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) thì mong việc đưa công an chính quy về xã sẽ giúp hạn chế sai sót trong khâu lập hồ sơ vụ việc xảy ra tại địa phương.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) chia sẻ và nêu ví dụ về việc công an xã bán chuyên trách do yếu nghiệp vụ, thiếu kiến thức pháp luật đã làm ảnh hưởng đến vụ án: "Ở Quảng Nam mấy năm trước có một vụ việc mà công an xã không nắm quy định nên bỏ hồ sơ lại, 2 năm sau mới chuyển lên công an huyện, hậu quả là vụ án đó mất 5 năm mới giải quyết xong".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận