09/11/2021 16:23 GMT+7

Đại biểu tranh luận nới trần nợ công lên 51%, đề nghị thận trọng

N.AN
N.AN

TTO - Một số đại biểu Quốc hội đề nghị nới trần nợ công để có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, song có ý kiến tranh luận lo ngại tăng trần nợ công sẽ ảnh hưởng an toàn nợ quốc gia.

Đại biểu tranh luận nới trần nợ công lên 51%, đề nghị thận trọng - Ảnh 1.

Đại biểu tranh luận về đề xuất nới trần nợ công - Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng chống dịch ngày 9-11, đại biểu đoàn Lào Cai Hà Đức Minh - bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai - bày tỏ lo ngại dịch bệnh tạo nên cú sốc với tăng trưởng, nhiều địa phương đã sử dụng hết nguồn ngân sách dự phòng, phải sử dụng tối đa số dư quỹ dự trữ tài chính nhưng nhu cầu còn lớn.

Do vậy để có thêm nguồn lực phục hồi kinh tế, ông Minh đề xuất tăng mức bội chi ngân sách thêm 100.000 tỉ đồng (khoảng 1% GDP) để có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu chống dịch và phát triển kinh tế mà ngân sách nhà nước vẫn giữ trong giới hạn an toàn. Việc tăng bội chi ngân sách thực hiện ngắn hạn trong 3 năm 2022-2024, đặt trong chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Đáng chú ý, đại biểu đoàn Lào Cai kiến nghị thực hiện nới trần nợ công lên 50-52% GDP. Lý do là hiện quy định trần nợ công là 60% nhưng hiện mới đạt 44-46%, nên cần tính toán huy động vốn để phục vụ chống dịch, hỗ trợ người dân. 

"Đặc biệt khi chi phí vay nợ ở mức thấp sẽ không gây áp lực lớn về dài hạn, trong khi Việt Nam được tín nhiệm về an toàn nợ. Do vậy hoàn toàn có thể nới thêm để tiếp tục huy động vốn trong khoảng 3 năm" - ông Minh nói. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn - phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách - bày tỏ lo ngại khi tăng trần nợ công lên 51% GDP sẽ khiến dư nợ công đến năm 2025 tăng lên gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia.

Theo ông, nhìn vào con số nợ công của năm 2021 và chuẩn bị cho năm 2022 thì dư nợ công khoảng 44% GDP là tương đối thấp. Tuy nhiên ông cho hay năm 2020 điều chỉnh GDP tăng hơn 1 triệu tỉ (tương đương mức tăng 25%) nên mẫu số tăng lên, số dư nợ tuyệt đối không giảm, mức độ tăng nợ vẫn còn nên "tỉ số nhìn có vẻ thấp nhưng cần hết sức quan tâm".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách cho biết đến năm 2021, mức trả nợ lãi và gốc đã xấp xỉ 25%, tức là cứ 4 đồng chi tiêu thì có 1 đồng chi cho trả nợ. Do đó, ông cho rằng cần quan tâm đến an ninh tài chính quốc gia.

Ông nói thêm để chứng minh cho quan điểm của mình, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng nợ bình quân là 18,1%/năm. Đến giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu ưu tiên kiểm soát nợ công để đảm bảo an ninh tài chính cũng như các cân đối vĩ mô nên tốc độ tăng bình quân vừa qua được rút xuống còn trên 6,54%.

Tuy nhiên, trong kế hoạch tài chính 5 năm hiện nay cũng xác định tăng 11%, nếu tăng trần nợ công lên 51% vào năm 2025 thì dư nợ công lúc đó khoảng 6,5 triệu tỉ đồng, tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, nên ông Toàn đề nghị cần hết sức thận trọng. 

Đồng ý cần có chương trình phục hồi kinh tế, song đại biểu cho rằng cần tính toán dư địa tài chính, tiền tệ một cách có cân nhắc để tránh rủi ro cho phát triển bền vững nền kinh tế về sau.

Đại biểu đề nghị nâng trần nợ công để tăng tiền an sinh, hỗ trợ người lao động Đại biểu đề nghị nâng trần nợ công để tăng tiền an sinh, hỗ trợ người lao động

TTO - "Chúng ta nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", đại biểu nêu ý kiến.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên