Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND, HĐND TP về tình hình kinh tế, xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và dự thảo nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội, thư ký Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên - đề nghị có gói hỗ trợ bằng tiền cho người khó khăn.
Tăng trưởng âm 16% là quá lớn
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngân nêu rõ những khó khăn, bất lợi của nền kinh tế TP.HCM thời gian qua, cũng như những quý sắp tới. Trong đó, về xuất khẩu, ông Ngân nhận định mức tăng trưởng quý 1-2023 của TP âm 16% là quá lớn.
Hiện nay các ngành sản xuất hàng xuất khẩu như dệt may, gia dày, chế biến chế tạo, cơ khí đều giảm hết… Trong khi bài toán tìm kiếm thị trường mới hoặc yêu cầu doanh nghiệp đổi mới mặt hàng sản xuất đều khó khả thi.
Tình hình này ảnh hưởng không chỉ đến tăng trưởng kinh tế, mà ảnh hưởng đến an sinh xã hội khi doanh nghiệp cắt giảm lao động.
Theo ông Ngân, một trong những giải pháp cần tập trung nhất hiện nay là xúc tiến tiêu thụ cho thị trường trong nước, với 100 triệu dân. Nói sâu hơn về tình hình tiêu dùng TP, ông Ngân cho biết tốc độ tăng trưởng quý 1 có tăng nhưng tỉ lệ thấp hơn kỳ trước.
Xem xét gói hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân
Người dân TP ảnh hưởng nặng nề hai năm đại dịch, mất mát người thân là lao động chính nên ảnh hưởng lớn đến thu nhập. Do vậy, tại TP.HCM, HĐND TP xem xét có gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân, hộ gia đình chính sách, đặc biệt các hộ bị thiệt hại nặng nề, có người thân mất trong đại dịch COVID-19.
"Kỳ họp Quốc hội lần này (dự kiến tổ chức tháng 5-2023), tôi sẽ có phát biểu thêm trên Quốc hội để ngoài việc hỗ trợ miễn, giảm thuế, giãn nợ, cơ cấu nợ, cần có thêm chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người dân khó khăn để kích thích tiêu dùng nội địa. Như vậy mới giải quyết được những khó khăn, bất lợi về biến động kinh tế hiện nay", ông Ngân nói.
Trao đổi bên lề buổi làm việc, TS Trương Minh Huy Vũ - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng với những khó khăn hiện nay, TP cần đi vào các cải cách mang tính sâu rộng, căn cơ.
Trong đó, trọng tâm là tổ chức thực hiện và phản ánh kịp thời các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc về bất động sản, trái phiếu, lãi suất, gói tín dụng, phòng cháy chữa cháy.
Qua đó, gỡ rối các dự án đầu tư tư nhân, đặc biệt là các dự án đầu tư bất động sản và các dự án đầu tư FDI trên địa bàn TP. Giải ngân quyết liệt đầu tư công, tập trung vào các dự án trọng điểm hạ tầng.
"Cùng với đó TP cũng phải đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn các thủ tục để kích thích các giao dịch dân sự, kinh doanh trong xã hội, vừa giải quyết kinh tế, vừa tạo hứng khởi tâm lý của số đông về môi trường kinh doanh, cũng như kích thích đầu tư, tiêu dùng tư nhân qua mở ra các không gian phát triển trong đô thị mới kinh tế dịch vụ, kinh tế đêm, kinh tế ven sông và kinh tế lễ hội", ông Vũ nói.
Dự kiến, tuần sau có hệ số điều chỉnh giá bồi thường vành đai 3 TP.HCM
Tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Võ Trung Trực cho biết ngày mai (21-4), Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan - chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất TP - sẽ họp thông qua hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường cho 4 địa phương TP Thủ Đức, Củ Chi , Hóc Môn và Bình Chánh.
Dự kiến thứ hai tuần sau (24-4), Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi sẽ họp với thành viên ủy ban để thông qua quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường. Trong ngày thứ ba (25-4), TP sẽ tổ chức hội nghị triển khai thực hiện quyết định này.
Khi có quyết định hệ số điều chỉnh, TP Thủ Đức và các quận, huyện mới ban hành các quyết định thu hồi đất và chi trả tiền bồi thường. Như vậy, dự kiến chi trả tiền cho người dân từ 25-4 đến 27-5-2023. Và dự kiến đến ngày 15-6-2023, sẽ bàn giao cho chủ đầu tư từ 70 - 85% tổng mặt bằng của dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận