Các đại biểu SSEAYP đã về 13 quận, huyện và TP Thủ Đức (TP.HCM) ở cùng các gia đình nuôi.
"Thấy may mắn khi ở nhà mẹ Lệ"
Bạn Otsubo Haru (Nhật Bản) không giấu được sự háo hức khi biết sẽ có 2 ngày ở cùng gia đình bà Nguyễn Thị Lệ tại phường 14 (quận 10). Bạn cho biết có hơi lo lắng vì không biết có hòa nhập với lối sống và văn hóa Việt Nam không, nhưng bạn nói "thấy may mắn khi gặp gia đình mẹ Lệ".
"Mọi thành viên trong nhà chào đón tôi như người con lâu ngày trở về. Mẹ dẫn tôi đi ăn bún bò Huế, cơm sườn, uống nước mía... rồi chở đi dạo bằng xe máy. Nếu không có gia đình mẹ Lệ, chắc tôi đã không có những trải nghiệm đậm chất Việt Nam như vậy", Haru nói.
Ở cùng nhà với Haru, Nguyễn Hà Châu Giang (Việt Nam) cho biết mình là người miền Bắc và từng nghĩ đã hiểu khá nhiều về đất nước mình. Thế nhưng khi sống cùng gia đình người miền Nam, Giang mới cảm nhận sự khác biệt trong cách sống, suy nghĩ và văn hóa giao tiếp giữa các vùng miền.
"Mình ấn tượng với bữa cơm gia đình khi ở nhà mẹ Lệ, ấm áp tình cảm. Hai ngày ngắn ngủi nhưng thật nhiều cảm xúc, hiểu hơn sự đa dạng văn hóa của đất nước mình", Giang chia sẻ.
Lần đầu tiên nhận nuôi đại biểu SSEAYP, bà Nguyễn Thị Lệ nói gặp hai bạn là thấy thương ngay. "Hai bạn rất hiền và dễ thương, gia đình tôi xem như người nhà", bà Lệ nói.
Tranh thủ hai ngày ngắn ngủi, có điều gì hay về Việt Nam, cả nhà đều giới thiệu với các bạn. Và muốn các bạn cảm nhận được sự hiếu khách, thân thiện của người Việt Nam.
168 đại biểu thuộc chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản lần thứ 48 (SSEAYP) đến từ 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á (trừ Myanmar năm nay không tham gia) và Nhật Bản. Tàu cập cảng tại TP.HCM chiều 14-11.
Đây là chương trình hợp tác giữa Chính phủ 10 nước thành viên ASEAN và Nhật Bản nhằm tăng cường mối quan hệ giao lưu, hữu nghị giữa thanh niên các nước ASEAN và Nhật Bản. Hải trình đã bước qua năm thứ 50 (từ năm 1974) với 48 lần tổ chức.
Các đại biểu có bốn ngày lưu lại TP.HCM với nhiều hoạt động. Trong đó có chương trình giao lưu văn hóa, ở nhà dân (homestay).
Các bạn cũng chia thành các nhóm cùng giao lưu, thảo luận với thanh niên TP.HCM tại các trường đại học, cơ sở Đoàn một số chủ đề về quyền lực mềm và ngoại giao nhân dân, môi trường toàn cầu và biến đổi khí hậu, giảm nguy cơ và phục hồi hậu thiên tai.
Người Việt Nam kiên cường
Ngoài trải nghiệm về văn hóa, các đại biểu SSEAYP còn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam khi đến với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3).
Sau khi tham quan bảo tàng, Aquilah Natasha (Brunei) chia sẻ: "Những hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh mà Việt Nam đã trải qua. Nhưng điều mình cảm nhận lớn hơn cả mất mát, đau thương chính là tinh thần đoàn kết, kiên cường của con người Việt Nam".
Đại biểu đến từ Brunei này nói rất nể phục khi dân tộc Việt Nam biến những tổn thương do chiến tranh thành động lực để vươn lên và xây dựng một đất nước mạnh mẽ như hôm nay. Và bạn sẽ chia sẻ điều ấy với bạn bè, gia đình khi trở về.
Còn bạn Jamsri (Thái Lan) cho rằng có những điểm chung giữa lịch sử hai nước mà sau khi tham quan các phòng bạn cảm nhận được.
"Những hậu quả của chiến tranh luôn tàn khốc, nhưng điều ấy giúp chúng ta càng quý trọng hơn giá trị của độc lập, tự do", Jamsri bày tỏ.
Một số hình ảnh đại biểu SSEAYP trải nghiệm văn hóa, lịch sử, ẩm thực tại TP.HCM:
Các đại biểu từ Nhật Bản, Brunei, Malaysia cùng nhau tham quan Bưu điện Thành phố - Ảnh: THANH HIỆP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận