Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách trong xã hội hóa y tế hiện nay chưa cụ thể sẽ gây khó khăn trong triển khai - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 13-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Nêu ý kiến về vấn đề xã hội hóa, liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc thiết bị trong bệnh viện, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bù đắp thiếu hụt ngân sách cho y tế.
Tuy vậy, bà Thủy cho rằng quá trình triển khai thời gian qua phát sinh những bất cập. Tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao và quá mức cần thiết với máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế, sự mất cân đối trong huy động nguồn lực.
"Qua theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế cho thấy, việc thổi giá không chỉ phát hiện trong dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn trong triển khai đề án xã hội hóa liên doanh liên kết tại bệnh viện công lập", bà Thủy dẫn chứng lại vụ việc Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng cho đối tác đặt robot hỗ trợ kỹ thuật, với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp 5 lần giá trị thực, từ 7,4 tỉ đồng lên 39 tỉ đồng, làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân.
Nguyên nhân được cho là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng dẫn tới nhiều khó khăn cho bệnh viện trong triển khai, vừa gây rủi ro cho bệnh viện và đơn vị tư nhân tham gia và dễ lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích, gây ra nhiều thiệt hại.
Tuy vậy, bà Thủy cho rằng khi nghiên cứu dự thảo cho thấy, chỉ có điều 90 quy định về xã hội hóa, nhưng chỉ mang tính chủ trương mà chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trong khi đó, những khó khăn vướng mắc xã hội hóa liên doanh liên kết trong lĩnh vực y tế do pháp luật thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể vốn kéo dài trong nhiều năm thì nay càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh xảy ra các vụ án y tế.
Trên thực tế, là tiến trình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện nay gần như đang đặt ở nút tạm dừng, hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng toàn ngành gần như đóng băng và không dám triển khai, các bệnh viện, nhà quản lý đang trông chờ sửa đổi, bổ sung cụ thể.
Với nguồn lực xã hội hóa còn rất lớn, giúp trang thiết bị hiện đại, mang lại lợi ích cho người dân, nền y tế, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị cần có quy định cụ thể về nguyên tắc những yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bổ sung có cơ chế kiểm soát chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm; có cơ chế khuyến khích triển khai xã hội hóa y tế trong những vùng còn khó khăn.
Trong khi đó, nêu vấn đề về quyền lợi của người bệnh được quy định trong dự thảo, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) dẫn chứng về bài báo nêu trường hợp một bệnh nhân phải kê 1,8 triệu đồng để mua thực phẩm chức năng trong khi chi cho thuốc chữa bệnh là 400.000 đồng, gây thiệt thòi cho người bệnh trong khám chữa bệnh.
"Dự thảo về quyền của người bệnh chỉ bao gồm 6 điều là vừa thiếu và chung chung về quyền và nghĩa vụ mà chưa có cơ chế cụ thể để người bệnh đảm bảo quyền của mình, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người bệnh làm trung tâm", đại biểu Hiếu nói.
Do đó, ông cho rằng cần tổng kết kỹ thực tiễn trên cơ sở mối quan hệ người hành nghề phải thực hiện công việc khám chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh. Bao gồm trách nhiệm trong khám chữa bệnh, bảo vệ thông tin và tránh xung đột lợi ích. Cụ thể, cần quy định rõ người hành nghề phải thông tin cho bệnh nhân về ưu điểm, nhược điểm, rủi ro về phương pháp chữa bệnh chứ không chỉ dừng lại ở tư vấn, cung cấp thông tin.
Cơn bão Việt Á làm y tế cả nước đang chao đảo
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho hay nước ta là 1 trong số ít quốc gia áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm, giám đốc bệnh viện công phải là người giỏi chuyên môn y khoa, trải qua quá trình phấn đấu lâu dài, nhưng lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị dẫn đến bất cập trong quản lý nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế, dẫn đến chất lượng dịch vụ kém, hoạt động khám chữa bệnh thiếu chuyên nghiệp.
Ông chỉ rõ với người chấp nhận vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn thì áp lực nghiệp vụ rất lớn và khó có thể hoàn thành cả hai. Giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc vẫn đang phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B.
"Ai cũng hiểu trong gói thầu, hợp đồng đó có vô số những lợi ích, mối quan hệ chằng chịt. Nếu không thắng nổi những cám dỗ, không xử lý được hết mối quan hệ đó thì chuyện vào tù là sớm hay muộn", ông Long nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng chỉ rõ do luật thiếu, sơ hở, lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít cán bộ y tế có cơ hội vươn lên xà xẻo, chấm mút, chia chác.
"Cơn bão Việt Á đã nổi và người xấu đã, đang bị lôi ra ánh sáng, xử lý. Y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng đang 'bải hoải, đứng nhìn', hoạt động mua sắm thuốc men, sinh phẩm bị đứt gãy nghiêm trọng. Các Sở Y tế, Bộ Y tế bị đình đốn vì đang phải bận làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ như giải trình với cơ quan thanh tra, điều tra.
Hoạt động khám, chữa bệnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất là chính người bệnh, người dân và cán bộ y tế nhìn thấy, rất đau lòng song không thể làm vì thiếu hành lang pháp lý", ông Trí nói.
THÀNH CHUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận