Sáng 27-3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đề xuất không tước bằng lái xe máy vi phạm nồng độ cồn thấp
Nêu ý kiến thảo luận về quy định nồng độ cồn, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng cần quy định cụ thể hơn đối với chế tài xử phạt đối với hành vi lái xe mà có nồng độ cồn.
Về hành vi nghiêm cấm, ông Cảnh bày tỏ đồng tình cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, song đề nghị Chính phủ quy định chi tiết về mức vi phạm nồng độ cồn đối với từng phương tiện và mục đích sử dụng.
Ông đề xuất nếu người lái xe vi phạm dưới 20mg/100ml máu hoặc 0,1mg/lít khí thở đối với xe máy cá nhân thì chỉ phạt hành chính chứ không tước bằng lái xe.
"Hiện tại vi phạm mức nào cũng tước bằng nên người dân bức xúc. Quy định này không áp dụng đối với người lái xe máy làm dịch vụ chở người hoặc chở hàng", ông Cảnh đề xuất.
Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) cũng bày tỏ đồng tình việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với các lý do mà Chính phủ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đưa ra.
Bà nói thực tế quy định này đã được Quốc hội khóa 14 thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, thống nhất thông qua trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và thực hiện từ 1-1-2020.
Tuy nhiên thời gian thực hiện chưa nhiều do dịch COVID-19 nhưng việc triển khai, xử phạt quyết liệt đã giúp nâng cao ý thức của người dân sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Bà nói việc cấm này không chỉ đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông mà còn thay đổi thói quen lạm dụng rượu bia hiện nay, không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn lâu dài trong việc đảm bảo sức khỏe người dân.
Nhấn mạnh mặc dù quy định cấm tuyệt đối có thể gây ảnh hưởng đến một phần phát triển kinh tế, nhưng bà đồng tình cần thực hiện cấm trong khoảng thời gian ít nhất 5 năm tới để thay đổi thói quen, hành vi sử dụng rượu bia và sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Sau đó có thể tổng kết, cân nhắc việc có cần quy định giới hạn nồng độ cồn hay không.
Để thực hiện thuận lợi, bà đề nghị trong dự luật cần bổ sung giải thích từ ngữ thế nào là điều khiển phương tiện, bởi thực tế trên một số diễn đàn có nhiều ý kiến băn khoăn hành vi dắt xe có phải điều khiển hay không?
"Rất nhiều cử tri cũng băn khoăn khi uống rượu bia hoặc khi đã uống rượu bia say mà dắt xe có bị cảnh sát giao thông xử phạt hay không? Do vậy, trong luật cần có giải thích rõ điều khiển phương tiện là thế nào?", bà Chung nêu thêm.
Đề xuất bổ sung cấm tự ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe điện
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng nêu quan điểm về điều khiển phương tiện với học sinh, xe đạp điện quy định chạy 25km/h là tối đa nhưng khi can thiệp vào các bộ phận điều khiển có thể chạy được 40-50km/h.
Vì vậy, ông đề nghị bổ sung khoản cấm tự ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe điện các loại trong dự thảo luật.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba cũng băn khoăn với việc người từ đủ 16 tuổi được điều khiển xe gắn máy, song dự thảo chưa có quy định đầy đủ về đào tạo, sát hạch với học sinh.
"Đối tượng học sinh từ 14 đến 16 tuổi phải được đào tạo và kiểm tra để đủ kiến thức, kỹ năng tham giao giao thông đảm bảo an toàn cho các cháu và xã hội", đại biểu đề xuất.
Còn đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) bày tỏ lo ngại việc tuyên truyền về nhận thức tham gia giao thông của học sinh hiện nay còn yếu.
Ông dẫn chứng chúng ta đi trên đường hiện nay học sinh đi dàn hàng ngang 2, 3, không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy điện ý thức tuân thủ rất hạn chế.
Từ đó, ông đề nghị cần quy định rõ trong luật làm sao để nâng cao trách nhiệm cơ quan chức năng trong giáo dục và tuyên truyền nhận thức, ý thức chấp hành, tránh các vụ tai nạn đau xót.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận