02/11/2022 19:11 GMT+7

Đại biểu Quốc hội tranh luận việc 'thảo luận nhưng lấy giấy ra đọc mỗi hướng khác nhau'

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - "Chúng ta gọi là thảo luận nhưng mỗi người lấy giấy ra đọc mỗi hướng khác nhau. Đề nghị đổi mới phương thức thảo luận", đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội tranh luận việc thảo luận nhưng lấy giấy ra đọc mỗi hướng khác nhau - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ảnh: PHẠM THẮNG

Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Đề nghị đổi mới cách thảo luận 

Nêu ý kiến tại đây, đại biểu Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách,  nhấn mạnh nếu kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động quan trọng, chủ yếu nhất thì thảo luận là phương thức hoạt động quan trọng nhất.

Tuy nhiên theo ông Vân, thảo luận hiện nay phần lớn là tham luận, theo cách cũ xưa.

"Chúng ta gọi là thảo luận nhưng mỗi người lấy giấy ra đọc mỗi hướng khác nhau. Đề nghị đổi mới phương thức thảo luận", ông Vân nêu quan điểm và đề xuất phân định rõ hình thức thảo luận tổ, thảo luận hội trường.

Cụ thể thảo luận ở tổ là sàng lọc ra các vấn đề. Thảo luận hội trường tập trung những vấn đề quan trọng có ý kiến khác nhau, trao đổi và tương tác trực tiếp để rõ vấn đề.

Ông đề nghị với phiên họp có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu thì nên xin ý kiến Quốc hội về việc rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi người ngay từ đầu, không nên để gần cuối mới đề xuất vì như thế là không bình đẳng.

Ông Vân cho rằng nên thực hiện ai đăng ký trước phát biểu trước theo tuần tự chứ không nên phân biệt đại biểu địa phương này hay vùng miền kia vì suy cho cùng đại biểu ngoài đại diện cho nơi mình được bầu ra còn là đại diện cho cử tri cả nước.

Nhấn nút tham gia chứ không nhường nhau?!

Đồng tình với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng cách thảo luận hiện nay giúp nhiều đại biểu nêu ý kiến, đề cập được nhiều điều cử tri quan tâm nhưng lại quá dàn trải.

Ông ủng hộ sau họp tổ thì lựa chọn một số vấn đề lớn để thảo luận hội trường, dành thời gian tranh luận cho sáng tỏ để đưa ra quyết sách đúng tầm.

"Ai nắm chắc, sâu vấn đề gì ấn nút tham gia vấn đề đó chứ không cần nhường nhau, tránh thông tin trùng lắp, dàn trải như việc chuẩn bị sẵn các bài phát biểu", ông Đồng nói và cho hay đổi mới để thảo luận trọng tâm, trọng điểm, thiên về tranh luận giúp đại biểu tự tin đưa ra quyết định.

'Cần chú ý đặc điểm vùng miền của đại biểu' 

Giơ biển tranh luận với hai đại biểu trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng để nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội cần lộ trình. Đại biểu đại diện ở nhiều vùng miền, với văn hóa, trình độ, sự quan tâm có thể khác nhau.

Thêm vào đó, đại biểu tham gia Quốc hội nhiều năm thì có kỹ năng nói tốt. Có đại biểu lần đầu tham gia thì trung thực phản ánh tâm tư cử tri lên Quốc hội nên nói không được đọc giấy lại hơi khó.

"Chúng ta không nói rõ thì một số đại biểu lần đầu tham gia lại ngại phát biểu", ông Huân nêu.

Cũng theo ông Huân, nội dung kinh tế - xã hội rất rộng, rất nhiều vấn đề, giờ chọn một số vấn đề ra tranh luận thì cử tri thấy không được nêu hết tiếng nói của mình.

"Vì nội dung quan trọng nên Quốc hội mới dành hai ngày thảo luận, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi. Không phải họ thích lên tivi", ông Huân nói thêm.

Cần quy định mạch lạc thảo luận tổ, thảo luận toàn thể 

Giơ biển tranh luận lại, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng ông nói việc quy định mạch lạc thảo luận tổ và thảo luận toàn thể có ba tác dụng.

Cụ thể là thúc đẩy tham luận sang tranh luận nhanh hơn, quyết định chất lượng hơn và rèn luyện kỹ năng tranh luận, thuyết phục của đại biểu.

"Mỗi đại biểu Quốc hội khi được giới thiệu đều phải vận động ứng cử, tức thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình. Kỹ năng tối thiểu là phải hùng biện và ở nghị trường này cần thể hiện khả năng đó", ông Vân nêu thêm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) sau đó cho rằng về tranh luận trong các kỳ họp, cần tránh tình trạng “chen luận”, bởi đây là vấn đề về văn hóa nghị trường và đề nghị cần quy định số lần tranh luận tối đa của mỗi đại biểu trong một phiên họp.

Ông cho rằng dù phát biểu dựa trên văn bản hay không, vấn đề mấu chốt vẫn là phát biểu phải hay, phải tốt, mang tính xây dựng cao, trách nhiệm cao.

Khống chế giá mặt hàng sách giáo khoa để không tác động tiêu cực đến người nghèo Khống chế giá mặt hàng sách giáo khoa để không tác động tiêu cực đến người nghèo

TTO - Sách giáo khoa sẽ được đưa vào diện Nhà nước định giá, kiểm soát giá trên cơ sở giá bán tối đa, không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên