Với quy định được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, dự thảo luật tại điều 70 đề xuất hai phương án gồm:
Phương án 1: Chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (dự kiến trước 1-7-2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2: Không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm chưa tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Phương án này không giới hạn số lần lao động được rút.
Bà Nguyễn Thị Minh Hòa - giám đốc BHXH TP Thủ Đức - cho biết trong 3 năm từ khi sáp nhập BHXH TP Thủ Đức đến nay, đã giải quyết hơn 43.000 lượt người rút BHXH. Quy định rút BHXH tồn tại nhiều năm, không ít người xem đây như khoản tiết kiệm để rút ra khi cần hay như chơi hụi, góp một thời gian rồi rút ra, sau đó lại nộp.
“Mong Quốc hội thông qua phương án 1. Là cơ quan trải qua lúc cao điểm rút BHXH, chúng tôi rất trăn trở, bởi làm chính sách BHXH cứ như dã tràng xe cát”, bà Hòa kiến nghị.
Cùng quan điểm đó, ông Củ Phát Nghiệp - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam - nhận định phương án 1 rất phù hợp, tiến bộ và đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH.
Để hạn chế tỉ lệ rút BHXH một lần, cần có phương án truyền thông rộng rãi, cùng với đó đảm bảo chế độ hưu trí ở mức sống cơ bản.
“Bây giờ PouYuen có một số người làm 25 năm nghỉ hưu lãnh có 2,8 triệu đồng. Nếu người lao động thấy chế độ hưu trí sống được thì sẽ không đi rút BHXH”, ông Nghiệp nhận định.
Trái ngược với các quan điểm trên, bà Đoàn Thị Phương Diệp, đến từ Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), lại cho rằng phương án 2 tốt hơn bởi đất nước đang có chủ trương tiến tới thiết lập chế độ an sinh xã hội toàn dân.
Người dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội về già. Nghĩa là người lao động cần được lương hưu khi về già. Nếu chọn phương án 1, cấm rút, rất có thể người lao động vẫn sẽ phản ứng và tiếp tục đi rút BHXH một lần dẫn đến không còn lương hưu (vì đến khoảng 1-7-2025 luật này mới có hiệu lực). Từ đó khó đạt mục tiêu an sinh xã hội, nên phương án 2 là phù hợp.
Trước những tranh cãi trên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng quan điểm khi trao đổi đều mong muốn bao phủ BHXH trong toàn dân, để người dân có được chế độ hưu trí nhưng thực tiễn có rất nhiều vấn đề cần cân nhắc. Cần có sự đánh giá tác động giữa hai phương án đến người lao động đang tham gia BHXH.
Theo bà Tuyết, khi bàn vấn đề bảo hiểm, điều quan trọng là việc cân đối giữa mức đóng và quyền lợi sao cho phù hợp.
“Nhiều người nói không cho rút một lần là sợ vỡ quỹ, tôi cho rằng cách đề cập này không phù hợp. Vấn đề là thiết kế chính sách cho phù hợp để quỹ bảo hiểm đủ đảm bảo quyền lợi cho người tham gia”, bà Tuyết nêu ý kiến.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối tháng 10, thông qua tại kỳ họp tháng 5-2024 và có hiệu lực từ 1-7-2025.
Ngoài vấn đề về rút BHXH một lần, tại buổi góp ý, các đại biểu cũng nêu ý kiến về việc bổ sung trợ cấp thai sản 2 triệu đồng với người tham gia BHXH tự nguyện, quy định về diện người đóng BHXH bắt buộc, thẩm quyền khởi kiện vi phạm về BHXH…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận