17/05/2022 19:23 GMT+7

Đại biểu Quốc hội TP.HCM: 'Đấu thầu thì càng phải rẻ, nhưng rẻ thì không đi cùng chất lượng'

THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG
THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG

TTO - 'Đấu thầu thuốc thì càng phải rẻ. Nhưng một khi đã rẻ thì không thể đi cùng chất lượng. Vô hình chúng ta tước đi quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế. Bây giờ thì lấn qua tới máy móc kỹ thuật rồi', đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM: Đấu thầu thì càng phải rẻ, nhưng rẻ thì không đi cùng chất lượng - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: THẢO LÊ

Chiều 17-5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức giám sát tình hình thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2022, phương hướng giải pháp các tháng cuối năm 2022.

Đưa ý kiến tại buổi giám sát, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ sự trăn trở khi TP là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng, tháo gỡ các chính sách bất cập để phát triển nhưng việc thực hiện còn nhiều khó khăn, rào cản. Trong đó có vấn đề chính sách nâng cao chất lượng hệ thống y tế.

Bà Lan cho biết từ đầu tháng 5 đến nay, Bảo hiểm xã hội có quyết định tạm ngưng thanh toán các chi phí kỹ thuật khi sử dụng máy đặt - máy mượn. 

Theo đại biểu này, không thể nào đủ tiền để cùng một lúc trang bị phương tiện cho các bệnh viện. Hiện nay, có những bệnh viện 80% máy móc là máy đặt - máy mượn của công ty, nếu không thanh toán thì sẽ rất khó khăn cho bệnh nhân.

"Nếu bệnh viện ngưng sử dụng thiết bị thì bệnh nhân chỉ có chết. Còn nếu tiếp tục thì bệnh nhân phải tự móc tiền túi ra trả, như vậy bảo hiểm y tế còn có ý nghĩa gì nữa", bà Lan nói.  

Bà Lan cho rằng nếu có tiêu cực xảy ra "ai sai thì xử", không phải vì không quản lý được hết mà cấm.

"Khi tôi còn công tác ở mảng dược, tôi có nói không chừng chúng ta cứ cực đoan ở một phía, dẫn tới tình trạng đấu thầu thì thuốc càng phải rẻ. Năm sau càng phải rẻ hơn năm trước. Nhưng một khi đã rẻ thì không thể đi cùng chất lượng, vô hình chúng ta tước đi quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế. Tôi nói đến giờ chưa thấy tiếp thu gì thì bây giờ lấn qua tới máy móc kỹ thuật rồi", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Theo đại biểu, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu tháo gỡ các chính sách nhưng thực hiện khó khăn quá, nhiều rào cản về mặt pháp luật quá. Những chính sách thực hiện tại TP chính là cơ sở để các địa phương khác thực hiện nhưng lại triển khai rất chậm.

"Ai làm sai thì xử lý nhưng chúng ta đang say sưa xử lý sao cho kịp thời mà lại không có các quy định tháo gỡ. Nhiều vụ việc vi phạm tạo tâm lý rất lớn, gần đây, các bệnh viện TP.HCM gần như đóng băng việc mua sắm trang thiết bị", đại biểu nói và cho rằng cần phải quyết liệt để có những chính sách phù hợp.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết cuối tuần qua, Bộ Y tế có văn bản tạm ngưng văn bản 2009 về việc thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng như Bảo hiểm xã hội không phải ngưng việc thanh toán này. Sáng nay Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội đã thống nhất tiếp tục thanh quyết toán cho nội dung này. Chiều nay Bảo hiểm xã hội đã có văn bản thông báo.

Ngoài ra, ông Nam cũng nhìn nhận hiện có tình trạng các đơn vị ngại đầu tư thiết bị y tế. Khi thực hiện công tác đấu thầu, theo quy định những gói thầu phải được kê khai công khai giá vật tư thiết bị y tế. Các doanh nghiệp cung ứng cũng rất lúng túng.

"Thời gian qua, nhiều sự việc xảy ra với nhiều cơ sở y tế cũng tạo tâm lý lo ngại hầu như bao trùm lên tất cả đơn vị. Khi được giao nguồn vốn để trang bị thiết bị y tế thì anh em xin nghỉ, không dám mua. Vì đụng vô mua sắm thế nào cũng có vấn đề", ông Nam nói.

Ông cho rằng quy định đã có nhưng vẫn còn nhiều nội dung chưa sát thực tiễn và đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến tháo gỡ.

Lấn cấn thanh toán BHYT đối với dịch vụ trên máy đặt, máy mượn ở bệnh viện: Giải quyết ra sao? Lấn cấn thanh toán BHYT đối với dịch vụ trên máy đặt, máy mượn ở bệnh viện: Giải quyết ra sao?

TTO - Sau các công văn được cho là 'đá qua đá lại' chưa có hồi kết giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam liên quan việc thanh toán BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn - máy đặt tại các bệnh viện, các bệnh viện đang lúng túng và người bệnh lo lắng.

THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên