Sáng 10-7, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 5, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cùng tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị 23, 24 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Tân Phú.
Sẽ xem xét lại quá trình thí điểm bỏ đèn đếm ngược
Cử tri Phạm Quang Vinh (phường Phú Thọ Hòa) nêu ý kiến về việc TP.HCM thí điểm bỏ đèn đếm ngược tại 4 giao lộ lớn. Theo ông Vinh, không nên bỏ đèn đếm ngược bởi những nguy hiểm khi tài xế không thể xử lý kịp các tình huống đèn đỏ đột ngột.
“Bình thường lỗi vượt đèn đỏ sẽ phạt 800 - 1 triệu đồng đối với xe máy, 4 - 6 triệu đồng với ô tô và giam bằng lái 1-3 tháng. Với xe máy không nói, nhưng với ô ô, xe tải hay xe container, để tránh vượt đèn đỏ, tài xế phải thường xuyên quan sát tín hiệu đèn từ xa, việc này có thể gây nguy hiểm bởi không thể vừa quan sát đèn vừa quan sát đường. Chưa kể các tình huống đèn đỏ đột ngột, việc thắng gấp rất khó xử lý và dễ gây tai nạn”, ông Vinh chia sẻ.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức - phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - cho biết kỳ họp Quốc hội vừa qua thông qua 9 luật, trong đó có Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong luật này quy định rất rõ về các tín hiệu đèn và TP.HCM đang thí điểm áp dụng với một số giao lộ như Mai Chí Thọ, Cách Mạng Tháng Tám. Việc bỏ đèn đếm ngược dẫn đến tranh luận giữa 2 quan điểm, mỗi quan điểm đều có phân tích cụ thể mặt tích cực và hạn chế.
Theo ông Đức, trong luật không quy định về vấn đề này, mà chỉ quy định về đồng hồ đếm thời gian. Còn lại có các văn bản hướng dẫn và tùy từng thực tế lưu lượng giao thông mà các địa phương căn cứ hướng dẫn.
“Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng từng chia sẻ đây là việc thí điểm, chứ chưa phải áp dụng đại trà. Chúng tôi sẽ có trao đổi thêm và đề nghị UBND TP xem xét tất cả quá trình thí điểm đó, thực sự được sự đồng lòng, ủng hộ của người dân thì tiếp tục áp dụng nhưng không được trái quy định của luật và nghị định”, ông Đức nói.
“Trong 1 gia đình có cháu học gần nhà, có cháu phải chuyển đến trường xa”
Cũng tại hội nghị, cử tri phường Tân Thạnh cho biết việc TP áp dụng chọn trường cho học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6) theo nơi ở góp phần cho phụ huynh đỡ vất vả hơn trong việc di chuyển, đưa đón. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng có những hộ có một cháu học gần nhà nhưng một cháu khác lại chuyển sang trường khác xa nhà.
“Nhà ở chung cư Nhiêu Lộc ra Trường Lê Văn Tám (phường Tân Thành) chỉ có mấy trăm mét, nhưng lại chuyển cháu sang Trường Huỳnh Văn Chính (phường Hòa Thạnh). Việc đón đưa chủ yếu là ông bà, các cụ già đi đón cháu rất khó khăn, vất vả. Sở nên xem xét lại, định vị cho phù hợp”, vị cử tri tâm tình.
Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, địa phương gặp khó trong việc phân bổ học sinh đầu cấp. Như phường Sơn Kỳ có một Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, năm học này tuyển 10 lớp với 450 học sinh. Tuy nhiên hiện tại số học sinh vào lớp 1 của phường là 768 em. Có gần một nửa học sinh không thể bố trí đúng tuyến được.
Ngược lại phường Tân Thới Hòa có 3 trường THCS sẽ nhận 1.260 học sinh, trong khi số học sinh của phường hiện tại chỉ khoảng 300 em. Do đó khi phân bổ học sinh, quận không thể giải quyết tất cả gần nhà. “Mong quý phụ huynh thông cảm. Thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến phụ huynh làm sao giải quyết chỗ học tương đối hợp lý”, lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo nói.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng vấn đề giáo dục trường công, trường tư, đúng tuyến, trái tuyến là câu chuyện nhiều TP lớn cũng thường xảy ra và Quốc hội rất trăn trở. Đoàn đại biểu sẽ cố gắng lắng nghe đầy đủ thông tin từ các địa phương, có hiến kế cho Quốc hội và Chính phủ tháo gỡ khó khăn này. Về sâu xa phải làm sao đáp ứng được quy định của Luật Giáo dục là tất cả người đang độ tuổi đi học đều được đến trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận