Chiều 26-6, Quốc hội thảo luận dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Chỉ được phép kinh doanh các thuốc không kê đơn
Nêu ý kiến thảo luận về áp dụng quy định thương mại điện tử, bán thuốc online, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng quản nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà tính bán online sẽ có rất nhiều nguy cơ.
Đặc biệt, nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng rất khó phát hiện và xử lý trên không gian mạng.
Bà cho rằng các nội dung của dự luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản, rời rạc, chưa đủ tính khả thi.
"Trong mọi trường hợp, tôi đề nghị tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử.
Còn đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn nền pháp lý của chúng ta đã được hoàn thiện chặt chẽ.
Đồng thời, phải được tổ chức trong khuôn khổ an toàn, trật tự hơn, chứ như hiện nay chưa phải giai đoạn chín muồi, công tác chuẩn bị chưa đầy đủ", bà Lan nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tri Thức (TP.HCM) cũng cho rằng phải xem xét cho kỹ vấn đề này.
"Bán thuốc online chỉ được phép kinh doanh những thuốc không kê đơn, và phải lập một trang web hoặc app chính thống để quản lý được.
Còn bây giờ nếu mở ra hết cho kinh doanh thuốc online rất nguy hiểm, kể cả trong vận chuyển, tráo đổi thuốc, điều kiện, nhiệt độ, hóa chất, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng điều trị", ông Thức nêu.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nêu rõ dự thảo luật đã bổ sung khá nhiều quy định liên quan quản lý, kinh doanh thuốc online.
Tuy nhiên, kinh doanh trên thương mại điện tử cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc được kinh doanh, đối tượng được tham gia mua bán, cách thức hướng dẫn, sử dụng thuốc, trách nhiệm của các bên liên quan, khi xảy ra sự cố...
Quảng cáo thuốc 'lố hơn tác dụng thật'
Về quảng cáo thuốc, ông Tân nói thực tế hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng... hiện nay khá tùy tiện, không được kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người dân.
Hai hình thức quảng cáo phổ biến nhất theo ông Tân là mượn danh các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ... có uy tín hoặc người nổi tiếng để quảng cáo.
Hay đưa hình ảnh một số người bệnh được người khác không phải chuyên gia, bác sĩ giới thiệu, truyền miệng, mách bảo các loại thuốc này, thuốc kia tốt, mua để sử dụng.
Trách nhiệm quản lý quảng cáo này, đặc biệt về nội dung có vẻ đang chồng chéo và bị buông lỏng giữa các bộ, ngành.
Ông nói việc dự luật đề xuất bãi bỏ một số quy định về hồ sơ, thủ tục, tiếp nhận, thẩm định, xác nhận nội dung... về thông tin quảng cáo thuốc cần được tính toán cẩn trọng. Bởi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm rất khó kiểm soát.
Ông đề nghị với thuốc cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Y tế từ khâu phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả trên mạng xã hội cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra, thông tin cho người dân biết để phòng tránh. Không để người dân dùng thuốc này.
Cần có các quy định rất rõ ràng, tránh để bán thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức chỉ rõ hiện nay vẫn có những quảng cáo nói quá sự thật, "lố hơn tác dụng thật".
Do đó, ông đề nghị nội dung này phải được Bộ Y tế, sở y tế kiểm duyệt, xem trước mới được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.
Cũng theo ông Thức, ngành y tế đang gặp khó khăn trong việc mua sắm, dự trữ các thuốc hiếm dùng trong cấp cứu, ví dụ thuốc giải độc botulinum…
Trên thế giới, có những thuốc chỉ có 1 nhà sản xuất (hoặc giá bán không đảm bảo chi phí lợi nhuận của các công ty dược phẩm) để điều trị các bệnh hiếm gặp gọi là thuốc mồ côi.
Bộ Y tế đã ban hành danh mục thuốc hiếm theo thông tư 26/2019 gồm 214 danh mục thuốc điều trị bệnh hiếm gặp và 229 danh mục thuốc không sẵn có, tuy nhiên danh mục này không còn phù hợp (không thường xuyên được cập nhật).
Hiện nay, chưa có danh mục thuốc mồ côi dùng trong cấp cứu, do vậy Bộ Y tế cần thành lập hội đồng thẩm định, ban hành danh mục thuốc này thay thế cho việc cấp giấy đăng ký lưu hành như những thuốc thông thường khác.
"Vì vậy cần bổ sung dự trữ quốc gia thuốc hiếm (thuốc mồ côi) dùng trong cấp cứu vào dự luật và giao cho Bộ Y tế tổ chức mua sắm, dự trữ đảm bảo tính sẵn có để sử dụng nguồn thuốc này ngay khi có nhu cầu", ông Thức nêu thêm.
Chỉ các thuốc không kê đơn mới được kinh doanh thương mại điện tử
Giải trình sau đó về kinh doanh thuốc trên thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết để kiểm soát chất lượng khi mua bán theo phương thức này, dự thảo luật quy định chỉ cho phép các cơ sở đã được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống thì được phép kinh doanh thêm bằng phương thức thương mại điện tử.
Trong dự luật cũng chỉ cho những thuốc không kê đơn được kinh doanh thương mại điện tử, chứ không phải tất cả các loại thuốc.
Về quảng cáo thuốc, bà Lan nói đối với thuốc kê đơn không được quảng cáo, còn với thuốc không kê đơn được quảng cáo nhưng nội dung phải đúng với giấy phép mà Bộ Y tế cấp, chứ không phải muốn đưa gì lên cũng được.
Do vậy, có thêm hoạt động xác nhận nội dung quảng cáo đúng như Bộ Y tế cấp.
Điều này, theo bà Lan có thể làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và Thủ tướng đã yêu cầu cắt bỏ thủ tục hành chính này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận