Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trả lời báo chí bên lề Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG
1,3 triệu là tính đúng
Trao đổi với báo chí bên lề họp Quốc hội sáng nay 31-10, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết đã xem lịch sử tiền lương của cô Lan: cô Lan đi dạy 37 năm, nhưng giai đoạn đầu là dạy trong thời kỳ hợp tác xã, cô tự nguyện, không có lương, không có hợp đồng và chỉ tham gia BHXH được 22 năm 8 tháng.
Tiền lương tính bình quân của 22 năm 8 tháng, chia ra được hơn 1,8 triệu, khi nghỉ hưu được hưởng 69%, được chưa đến 1,3 triệu đồng/tháng. Mức lương này được tính đúng với các quy định hiện hành.
Tuy vậy, từ câu chuyện của cô giáo Lan, theo ông Lợi, phải nghiên cứu cơ chế, giải thích để những người tham gia BHXH từ hôm nay thấy rằng muốn lương hưu cao thì phải đóng BHXH ở mức cao.
Thứ hai là thời gian đóng phải dài, để làm sao đủ 75% lương bình quân khi nghỉ hưu. Thứ ba là mở rộng đối tượng tham gia BHXH để ai hết tuổi lao động cũng có lương hưu.
"Rõ ràng 1,3 triệu đồng/tháng thì đời sống hết sức khó khăn, nhưng về chính sách thì đã tính đúng", Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.
"Theo quy định thì tất cả những người về hưu, dù thấp bao nhiêu cũng được điều chỉnh bằng lương cơ sở, hiện nay là 1,3 triệu đồng/tháng, lương hưu của cô Lan tính mức trung bình thì còn thiếu 27.000 đồng nữa mới đủ 1,3 triệu/tháng".
Ông Bùi Sỹ Lợi nói về lương hưu của cô giáo Lan tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 31-10 - Nguồn clip: VTV
Đóng bảo hiểm cao thì nhận lương hưu cao
* Thưa ông, từ câu chuyện lương hưu của cô Lan, cần đặt vấn đề cải cách tiền lương như thế nào?
Tôi được biết tới đây Hội nghị trung ương 7 sẽ bàn chuyên đề về chính sách tiền lương. Chúng ta cần hiểu rằng lương hưu của người lao động theo nguyên tắc thực đóng thực hưởng, tức là đóng bảo hiểm cao thì về già nhận lương cao.
Theo tôi, vấn đề quan trọng là nguồn ở đâu để cải cách tiền lương. Chúng ta có dám hi sinh, cắt giảm biên chế để nâng lương cho người lao động không là vấn đề quyết định. Còn nguồn không có, bộ máy lại cồng kềnh thì làm sao cải cách được.
Nếu chính sách BHXH như thế này sẽ không thu hút được người tham gia BHXH. Bài toán đặt ra là thiết kế chính sách làm sao nâng mức đóng BHXH để mức hưởng cao, thứ hai là kéo dài thời gian đóng phải dài hơn.
* Nhưng có một thực tế là khi tăng mức đóng BHXH thì cả người lao động và doanh nghiệp đều kêu?
Đây là một nghịch lý. Khi người lao động được điều chỉnh tiền lương, thu nhập họ thường không muốn đóng vào BHXH mà muốn hưởng tiền tươi thóc thật luôn. Thứ hai, có tâm lý sợ quỹ BHXH không an toàn.
Vì vậy, phải tuyên truyền cho người lao động biết quỹ BHXH là quỹ tập trung quốc gia, do bộ trưởng Bộ Tài chính làm chủ tịch hội đồng quản lý, được mang ra đầu tư tăng trưởng và phải quay trở về để bảo toàn quỹ.
Người lao động thực đóng, thực hưởng và đến lúc người lao động sẽ có tài khoản cá nhân, đóng bao nhiêu, tăng trưởng bao nhiêu, cộng lên các năm thì người lao động hưởng.
Ví dụ, anh về hưu có tổng quỹ đóng BHXH là 3 tỉ đồng, anh có thể lấy trước 1 tỉ đồng để lo nhà ở, lo các điều kiện khác, còn lại 2 tỉ để để sống dần trong 15-20 năm còn lại chẳng hạn. Điều này một số nước như Singapore đã làm.
Trên thế giới không có đất nước nào mà lương về hưu lại vượt quá đến 75% tiền lương đóng BHXH như Việt Nam. Các nước cao nhất chỉ đến 50-60%. Nhưng tỉ lệ hưởng của ta cao mà số tuyệt đối lại thấp vì mức đóng quá thấp.
Người lao động chủ yếu đóng BHXH trên tiền lương tối thiểu vùng, chỉ hơn 3 triệu đồng, trong khi đúng ra phải đóng trên tổng thu nhập. Cho nên điều 90 Bộ luật lao động quy định phải đóng trên tiền lương thu nhập để khi về hưu, tiền lương làm căn cứ đóng cao mà tỉ lệ có thấp thì số tuyệt đối vẫn cao.
Đóng BHXH trên tổng thu nhập
* Theo ông, liệu có thể thực hiện nghiêm túc việc đóng BHXH theo thu nhập?
Theo Bộ luật lao động và theo cam kết của Chính phủ là từ 1-1-2018 sẽ đóng BHXH trên tổng thu nhập. Hiện nay các DN cũng đang kêu, nhưng hầu hết các DN đã đóng theo mức này.
Hiện nay đang có người lương hưu cao nhất là 70 triệu, vì người ta đóng rất cao, chứ không phải mình tính cao cho người ta. Vấn đề là thực hiện nghiêm quy định của luật để người lao động đóng BHXH theo đúng thu nhập thực tế.
* Trong cùng khu vực công nhưng đang có bất cập giữa mức lương hưu của giáo viên và một số ngành với lương các ngành công an, quân đội, đặc biệt là lương hưu, tình trạng này đặt ra vấn đề gì cho công tác cải cách tiền lương?
Trong tư duy về chính sách tiền lương hiện nay đang có mâu thuẫn. Ví dụ lực lượng quân đội hưởng lương 1,8. Trong khi cán bộ, chiến sĩ đang cống hiến, đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì hưởng mức lương này không ai thắc mắc. Nhưng khi về hưu, phải quay về mặt bằng cùng các ngành khác thì mới hợp lý.
Người về hưu phải có mức sống tương đồng nhau, tối thiểu của người về hưu ít nhất phải bằng mức sống tối thiểu chung của xã hội, còn ai trần cao hơn, đóng góp cao hơn hưởng nhiều hơn, đặc biệt là đóng góp cao hơn thì hưởng nhiều hơn.
Ví dụ như tôi hưởng lương thứ trưởng, về hưu chỉ bằng lương trung tá, vì mức đóng BHXH của mình thấp hơn các ngành công an, quân đội. Những bất cập hiện nay cần được tính toán, điều chỉnh. Trong hệ thống lương, thu nhập trong bộ máy của ta hiện nay có đến 17 loại phụ cấp, rồi thâm niên.
Tôi nghĩ rằng phụ cấp chỉ nên thực hiện khi người lao động đó đang làm việc trong các ngành đặc thù, chứ không phải là khi về hưu rồi vẫn tính cả phụ cấp, vì cùng làm trong khu vực nhà nước thì về hưu là như nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận