ĐBQH Trần Anh Tuấn - quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TRẦN ANH TUẤN, quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đã chia sẻ như vậy về mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra. Theo ông Tuấn, kỳ họp thứ 2c (khai mạc ngày 20-10) sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để Quốc hội thể hiện vai trò giám sát và chia sẻ nỗ lực đó của Chính phủ.
“Nếu các ĐBQH có xung đột về ý tưởng thì phải xuất phát từ quan điểm, lập trường, tư duy, kinh nghiệm của mỗi người chứ không phải vì quyền lợi riêng |
ĐBQH TRẦN ANH TUẤN |
Ông Tuấn nói: “Xây dựng chính phủ kiến tạo không phải là chuyện mới, đó là cả một quá trình tiếp nối của những thiết chế, quy định đã có. Nay chúng ta tạo lập, thiết lập lại để môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường sống của người dân ngày càng thuận lợi.
Chúng ta đang chuyển từ nền hành chính mang tính là thủ tục sang phục vụ thì phải đặt người dân vào trung tâm để thiết kế chính sách”.
Vật cản còn rất lớn
* Riêng kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận thông qua 4 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án luật và nhiều báo cáo. Rất nhiều nội dung trong đó sẽ có tác động lớn để xây dựng chính phủ kiến tạo. Như vậy các ĐBQH sẽ có nhiều việc phải làm?
- Đó là khối lượng công việc rất khổng lồ và sẽ có tác động để đạt mục tiêu có chính phủ kiến tạo. Tất nhiên, không phải đợi bước vào kỳ họp mới làm mà trước hai tháng đã bắt đầu lấy ý kiến để sửa đổi các bộ luật. Nhất là các quy định về mặt pháp luật còn gây khó khăn, phiền hà, chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp để họ yên tâm kinh doanh.
Các cơ quan cũng như người dân đã được lấy ý kiến để hoàn chỉnh các dự thảo, sửa đổi luật.
* Quá trình xây dựng luật ở các khóa trước thường có việc nhiều đại biểu đại diện cho các bộ ngành, lĩnh vực vẫn có xu hướng bảo vệ quyền lợi cho ngành, lĩnh vực mình phụ trách?
- Đúng là vẫn còn những vật cản rất lớn. Có rất nhiều tranh luận giữa các cơ quan chuyên ngành, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ lợi ích cho ngành mình. Đó là tư tưởng không đúng. Tranh cãi này rõ ràng khác với tranh cãi của các nhà khoa học, chuyên gia, khi dù quan điểm có thể khác nhau nhưng họ có một nguyên tắc xử sự chung, một lợi ích chung để bảo vệ.
Trọng tâm chính sách thiết kế cho chính phủ kiến tạo là môi trường cho doanh nghiệp và người dân thuận lợi nhất, chứ không phải cho nơi quản lý thuận lợi nhất.
Xây dựng luật còn “cơ cấu”
* Hiện tỉ lệ ĐBQH chuyên trách chưa cao, trong khi các ĐBQH đóng hai vai: vừa là ĐBQH vừa là thành viên Chính phủ hoặc lãnh đạo địa phương... Trong bối cảnh như vậy, phải hạn chế “vật cản” như ông nói bằng cách nào?
- Để góp sức được cho một chính phủ kiến tạo, các ĐBQH khi thảo luận cần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Nếu có xung đột về ý tưởng, phải xuất phát từ quan điểm, lập trường, tư duy, kinh nghiệm của mỗi người chứ đừng vì quyền lợi riêng.
Một quy định không thể nào mang tính toàn diện đi vào từng ngóc ngách cụ thể, đi vào từng sự việc sự vụ. Quan trọng nhất là bảo vệ lợi ích chung của quốc gia và ĐBQH phải luôn bảo vệ nguyên tắc chung đó.
Các ý kiến trái chiều nhau tại nghị trường là điều đương nhiên. Nhưng nếu xuất phát từ những cái chung, từ lợi ích toàn cục của đất nước, của người dân, của doanh nghiệp, của tất cả mọi người sẽ dễ dàng thuyết phục hơn.
Nhưng nếu mục tiêu chung đó không được ĐBQH đặt lên cao hơn các mục tiêu khác sẽ là một lực cản phải mất nhiều thời gian để hóa giải. Đó chính là những thách thức trong thời gian tới trong việc đồng hành cùng Chính phủ xây dựng một chính phủ kiến tạo.
* Nhưng cơ chế xây dựng luật của Quốc hội hiện nay dường như chưa có nhiều cơ hội để ĐBQH được tham gia từ đầu?
- Có chính phủ kiến tạo hay không là từ chính sách, nhưng hiện nay quá trình xây dựng luật của Quốc hội được giao cho các bộ, ngành xây dựng dự thảo. ĐBQH gần như chỉ tham gia góp ý khi dự luật được trình ra các ủy ban của Quốc hội. Tôi nghĩ đây là bất cập.
Cần phải tăng thêm ĐQBH chuyên trách và các đại biểu này được ngồi vào bàn tham gia cùng với tổ soạn thảo. Như vậy mới đảm bảo sự khách quan, hạn chế tình trạng đưa ra các quy định có lợi hoặc bảo vệ riêng cho ngành, lĩnh vực.
Đồng thời sẽ giảm bớt thời gian tranh luận, giải quyết các quan điểm khác nhau khi dự luật được đưa ra thảo luận, thông qua tại kỳ họp Quốc hội.
* Với tư cách là ĐBQH và đứng đầu cơ quan nghiên cứu về chính sách của một đô thị lớn, ông sẽ làm gì để hạn chế những điều đó?
- Bắt đầu từ kỳ họp thứ 2 này, ĐBQH sẽ dành thời gian thảo luận, quyết định những quy định mới để tạo lập môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển. Và tất nhiên càng đụng tới quyền lợi, sự chi phối đang có của các bộ, ngành vào lĩnh vực họ phụ trách.
Quốc hội sẽ phải dành thời gian nhiều cho các điểm nghẽn, điểm cản trở này. Nếu các ĐBQH cùng chung mục tiêu cho một nhà nước kiến tạo, họ sẽ mang được tinh thần tiến công đó vào nghị trường để chung tay với Chính phủ. Lúc đó Quốc hội cũng sẽ là một quốc hội kiến tạo.
Thủ tướng gửi thông điệp kịp thời Theo ĐBQH Trần Anh Tuấn, chính phủ kiến tạo là một thông điệp mạnh mẽ mà Thủ tướng đưa ra và thể hiện rõ hơn bằng những chuyến thị sát các địa phương mới đây. Những việc làm đó nhắc lại thông điệp và quyết tâm thực hiện của Chính phủ. Người dân cũng như ĐBQH theo dõi và nắm bắt rất kỹ. Những việc làm như vậy cho thấy Chính phủ đang quyết tâm, sẵn lòng lắng nghe tâm tư nguyện vọng và những vướng mắc của người dân; những lực cản đang diễn ra trên mọi mặt của xã hội, của các cơ quan nhà nước. Đó là việc đang làm kịp thời để đưa ra thông điệp của Chính phủ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận