Sáng 23-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Vấn đề 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần đã nhận được nhiều ý kiến.
Đề xuất lập quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc
Nêu ý kiến thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho hay dự thảo luật đưa ra 2 phương án với mục đích chung để hạn chế người lao động rút.
Nhưng theo bà Kiều, phương án 1 chỉ cho những người tham gia bảo hiểm xã hội trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực, đủ điều kiện được rút. Với những người tham gia sau thời gian luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025) lại không được, như vậy chưa đầy đủ.
Với phương án 2 cho tất cả người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng chỉ được 50%. Song vấn đề đặt ra theo bà Kiều là nhiều người lao động có lương thấp, mức đóng thấp nên khi rút bảo hiểm xã hội một lần số tiền ít sẽ không giải quyết được khó khăn.
Do đó, theo bà Kiều, cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn đảm bảo để họ có thể ổn định đời sống sau khi ngừng việc.
Bà đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm xã hội để thành lập quỹ cho vay với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho hay bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn.
Vì thế cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và không muốn rút.
Dự luật đề xuất 2 phương án, bà cho rằng việc chia thành 2 nhóm trước và sau khi luật sửa đổi có hiệu lực có thể dẫn đến tình trạng người lao động gia tăng rút trước khi luật có hiệu lực, ảnh hưởng bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.
Bà nhấn mạnh phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút, tuy nhiên phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút.
Theo bà, luật có thể xem xét thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn.
Trong đó, lựa chọn thứ nhất nếu người lao động bảo lưu bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng quyền lợi tăng thêm với thông thường.
Các chế độ tăng thêm được thiết kế trong dự thảo luật là cần thiết, phù hợp, cụ thể giảm điều kiện thời gian đóng hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm...
Lựa chọn thứ hai, nếu người lao động rút sẽ không được hưởng quyền lợi tăng thêm và đáp ứng các quy định khắt khe.
Lựa chọn thứ ba, người lao động được rút 50% và để lại 50%. Phương án này giúp giải quyết một phần khó khăn và tái tham gia khi có điều kiện.
Được rút nhưng chỉ hưởng phần mình đóng, bảo lưu phần doanh nghiệp đóng?
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho hay nếu áp dụng phương án 1 e rằng người lao động không đồng tình và cũng phản ứng khi Quốc hội khóa 13 thảo luận sửa đổi về luật này.
Ở phương án 2, ông Tám nói cho phép người lao động rút 50%, nhưng vấn đề đặt ra là tại sao là 50% mà không phải tỉ lệ khác.
Ông cho rằng cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng bảo hiểm xã hội khi họ không còn điều kiện tham gia, bởi khi đó họ không thuộc diện bắt buộc tham gia. Bảo hiểm xã hội có phần người lao động đóng và phần chủ sử dụng đóng.
Do đó, nên quy định theo hướng người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhưng chỉ được hưởng phần mình đóng, còn phần chủ sử dụng lao động đóng được bảo lưu để sau này có điều kiện tham gia.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) nhấn mạnh bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động.
Bà đề nghị đánh giá nguyên nhân dẫn tới gia tăng tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần để có giải pháp căn cơ.
Đồng thời, đề nghị xem xét điều kiện rút thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Đại biểu phân tích ưu, nhược điểm của 2 phương án và đề nghị nên nghiên cứu phương án được lựa chọn rút hoặc rút 50% thời gian đã đóng.
Thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu và không nên chỉ giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đã đóng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đồng tình với phương án 1, nhưng cũng có đại biểu đồng tình phương án 2. Có đại biểu tranh luận không đồng tình cả 2 phương án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận