22/10/2022 14:12 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: Điều hành xăng dầu sao mà 'bộ này đổ cho bộ kia'?

N.AN
N.AN

TTO - Bức xúc trong cách điều hành về lĩnh vực xăng dầu của các bộ ngành, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trước tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở phía Nam gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội: Điều hành xăng dầu sao mà bộ này đổ cho bộ kia? - Ảnh 1.

Đại biểu TP.HCM thảo luận về vấn đề xăng dầu tại phiên họp tổ - Ảnh: Q.PHÚC

Ngày 22-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đã có nhiều ý kiến nêu ra những bất cập trong quản lý điều hành xăng dầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chỉ ra việc quản lý nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực còn bất cập, đặc biệt là sự phối hợp của các bộ ngành khi đang có thực tế là "bộ này đổ cho bộ kia".

Dẫn chứng vấn đề xăng dầu, đại biểu Bé dẫn chứng thông tin truyền thông cho hay một số bộ ngành nói "không liên quan". Thực tế này khiến cử tri rất bức xúc, khi mà quản lý điều tiết xăng dầu chưa chặt chẽ, gây thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại phía Nam.

"Chúng ta có hai nhà máy lọc dầu như thế mà điều tiết xăng dầu thế nào, điều tiết ra sao, không kịp thời đã dẫn tới xảy ra những đáng tiếc, thiếu hụt xăng dầu phía Nam" - đại biểu Bé nêu vấn đề.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nói vừa qua đã xảy ra những cú sốc nhỏ liên quan đến xăng dầu. Nguyên nhân do không đủ nguồn cung cho thị trường, khiến người dân rất khó khăn trong việc mua nhiên liệu để đi lại.

Tại một số tỉnh, có thời điểm người dân đi đổ xăng rất khó khăn. "Vấn đề này có nguyên nhân thời gian qua Bộ Tài chính, Công Thương điều hành chưa sát với thực tế thị trường", ông Tuấn nói.

Đại biểu Tuấn cũng cho rằng có nguyên nhân do một số doanh nghiệp chờ tăng giá, khung chiết khấu thấp so với chi phí doanh nghiệp bỏ ra như vận chuyển, quản lý, thuê mặt bằng, nên càng bán càng lỗ, khiến doanh nghiệp ngại bán.

Trước thực trạng trên, đại biểu Bé đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các quản lý nhà nước có liên quan. Mặc dù mặt hàng xăng dầu chịu tác động của thị trường, song vấn đề đặt ra là cần có cơ chế quản lý thế nào để "điều hòa trong quản lý", đặc biệt là công tác phối hợp giữa bộ, ban ngành, không để tình trạng thiếu xăng dầu ảnh hưởng đời sống người dân.

"Doanh nghiệp nói buôn bán phải có lời, nhưng thời gian qua mua vào, bán ra lỗ, chiết khấu bằng 0, làm sao mà bán và tiếp tục kinh doanh được. Vì vậy Chính phủ cần nghiên cứu điều tiết thế nào cho phù hợp" - đại biểu Bé đề nghị.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, nhằm tránh tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ mỗi lần điều chỉnh giá. Đồng thời, các cơ quan cần xem xét, tính toán sao cho hiệu quả, đảm bảo cung cầu, giá cả, chi phí.

Dự báo thời gian tới tình hình xăng dầu còn nhiều biến động, đại biểu Ngân đề nghị Quốc hội cần ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề liên quan đến thuế xăng dầu. Chính phủ cần tập trung nhiều hơn để tháo gỡ, vì người dân rất bức xúc.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi lưu ý: "Đừng xem chuyện xăng dầu là nhỏ". Bởi theo ông, xăng dầu khan hiếm thì vận chuyển lương thực khó khăn, từ đó có thể dẫn đến mất an ninh lương thực, khủng hoảng cục bộ.

"Chúng ta cần đánh giá sâu hơn, đồng bộ hơn để có giải pháp kịp thời. Cần có cơ chế dự trữ năng lượng, trong đó có xăng dầu với các trung tâm kinh tế lớn cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng…" - chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thiếu xăng dầu miền Nam có ảnh hưởng một phần xăng dầu lậu Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thiếu xăng dầu miền Nam có ảnh hưởng một phần xăng dầu lậu

TTO - Việc có lượng lớn xăng dầu trôi nổi, xăng dầu lậu trên thị trường khiến cho doanh nghiệp không quan tâm chi phí định mức, chiết khấu, đăng ký mua hàng ổn định.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên