Chiều 19-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 49,5%
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ) dẫn vụ cháy xảy ra tại Trung Kính (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) làm 14 người chết và đề nghị phải có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy; sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật cho phù hợp thực tiễn.
Dẫn thực tế nơi mình công tác, thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cho biết trong 5 năm gần đây, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an giám định 1.009 vụ để xác định nguyên nhân cháy số vụ việc năm sau cao hơn năm trước.
Trong đó cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 49,5%. Cháy chung cư chiếm 4,4%; cháy tại các doanh nghiệp chiếm 19,2%; cháy khác như chợ, tàu, xe, rừng... chiếm 26,9%.
Nguyên nhân có nhiều, chủ yếu kể đến chập mạch điện, dây dẫn điện trong các thiết bị sử dụng điện; do bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, sửa chữa nhà cửa, thiết bị, phương tiện...
Từ đó, ông đề nghị cần quan tâm thỏa đáng đến công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về phòng cháy, chữa cháy, ở tất cả các khâu, các lĩnh vực như quy hoạch, sản xuất, thiết kế, thi công...; công tác quản lý, sử dụng, vận hành...
Yêu cầu có giải pháp ngăn khói với dạng nhà ống ở các thành phố lớn rất khó thực hiện
Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) nêu rõ một mặt đề cao quy chuẩn kỹ thuật, đề cao tính tuân thủ. Một mặt xã hội hóa, những lĩnh vực nào xã hội hóa được thì thực hiện, tránh tình trạng kiểm soát thái quá lại trở thành điểm nghẽn trong quá trình thực hiện.
Ông nói những yêu cầu mới có hiệu lực thì tuân thủ rồi nhưng với công trình hiện hữu không đảm bảo, phải có lộ trình, bước đi để thực hiện theo các quy chuẩn không thể để tồn tại mãi được.
Như với nhà ở riêng lẻ của dân dạng chuồng cọp đã xây rồi có thể yêu cầu tháo dỡ để tạo lối thoát hiểm khi cần.
Còn những trường hợp kinh doanh nhà ở, công trình tập trung đông người ở trong hẻm sâu, nhỏ, không có điều kiện phòng cháy, chữa cháy thì có nên chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phù hợp.
Về lâu dài cần có lộ trình đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy, không để khi xảy ra hậu quả nặng nề, đau xót, không thể nào khắc phục được.
"Với lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên trách, tôi đề nghị có chính sách để tiến thẳng lên hiện đại từ phương tiện, lực lượng. Có những địa bàn chữa cháy khó khăn, phương tiện, xe không vào được, trụ nước không kéo tới nơi cháy phải có máy bay, có phương tiện hiện đại khắc phục sự cố", ông Toàn đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) chỉ rõ nhiều vụ cháy gây chết người liên quan đến thoát nạn. Tuy nhiên dự luật chỉ quy định một vài quy định nhỏ về thoát nạn cho thấy vẫn còn xem nhẹ thoát nạn trong khi đây là một vấn đề quan trọng.
Vì vậy, ông đề nghị nên có thêm quy định về thoát nạn, thậm chí có chương riêng trong dự luật. Từ đó quy định liên quan đến nhà trường dạy trẻ em thoát nạn, hướng dẫn người dân ở khu chung cư... thoát nạn.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của quy định nhà ở kết hợp kinh doanh phải có giải pháp ngăn cháy. Bởi nếu áp dụng tất cả thì nhà mặt phố đều vi phạm hết.
"Nhà có 30m2 mà bảo có giải pháp ngăn khói không bao giờ làm được, sẽ đóng cửa hết", ông nói và nêu đặc trưng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM là nhà dạng ống, dưới kinh doanh, trên để ở. Vì vậy, yêu cầu có giải pháp ngăn khói rất khó thực hiện.
Tuy nhiên để đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân, việc này cũng không thể không làm, không xử lý.
Từ đó, ông đề nghị dự thảo luật cần có điều khoản chuyển tiếp. Các công trình không đáp ứng điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại luật mới cần có thời gian để xử lý.
Không thể cứng nhắc thực hiện ngay khi luật có hiệu lực, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thành phố lớn phải có trực thăng chữa cháy
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề xuất như vậy tại buổi thảo luận. Bà Lan cho rằng: "Không phải tỉnh thành nào cũng cần có trực thăng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhưng những thành phố lớn, đông dân phải có, phải quy định trong luật".
Theo bà Lan, từ năm 2013, đại biểu Quốc hội đã đề xuất việc này nhưng đến nay vẫn chưa có trực thăng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. "Chưa có gì đảm bảo hỏa hoạn không tiếp tục xảy ra, bởi vậy phải quan tâm tới phòng cháy, nếu để cháy rồi sẽ gây thiệt hại", bà nói thêm.
Nữ đại biểu nhận xét trong các vụ cháy, người nước ngoài do được học kỹ năng từ nhỏ nên phản ứng rất nhanh nhạy, trong khi người dân chúng ta bủn rủn, chờ cứu. Thực tế người dân, nhất là trẻ em, trang bị kỹ năng chữa cháy, thoát nạn rất yếu.
Bà đề nghị luật có các điều khoản giáo dục kỹ năng, ý thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân. Việc tập huấn kỹ năng cần phải làm định kỳ. Đồng thời hệ thống thông tin tuyên truyền phải có chuyên đề thường xuyên cảnh báo về cháy, kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy.
Bà Lan cũng đề nghị: "Lực lượng chức năng liệt kê các khu vực mất an toàn, cảnh báo cho người dân. Khi vào các hẻm nhỏ, xe phòng cháy, chữa cháy không vào được thì phải gắn biển để người dân cẩn thận hơn. Đợi lâu lâu khi có đám cháy, làm rần rần lên rồi thôi thì hiểm nguy vẫn cứ rình rập, thảm họa do cháy vẫn cứ diễn ra".
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lấy ngay ví dụ việc người dân bất lực khi cứu bốn người trong vụ cháy ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) ngày 16-6 để cho thấy bất cập của việc chữa cháy tại chỗ.
Ông Ngân cho hay: "Tại các khu phố hiện không có phương tiện ở mức thấp nhất để người dân tham gia cứu hộ. Dự án luật lần này có bổ sung một chương đầy đủ về cứu nạn, cứu hộ".
Theo ông Ngân, qua những vụ cháy vừa xảy ra, đặc biệt tại Hà Nội có thể thấy phần lớn khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng tại chỗ còn thiếu chuyên nghiệp. Lực lượng nhân dân rất tích cực, người dân nhảy lên nóc nhà, đập phá tường để cứu người gặp nạn nhưng phương tiện không có nên bất lực.
"Tôi ủng hộ việc sử dụng, huy động lực lượng tại chỗ trong cứu nạn cứu hộ nhưng phải đầu tư nguồn lực tại các khu phố, ít ra có phương tiện ở mức độ thấp để người dân tham gia cứu nạn, cứu hộ", ông Ngân đề xuất.
Chỗ đốt vàng mã phải đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nêu thực tế người dân đốt vàng mã rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là ở các thành phố lớn với mật độ dân cư đông, ngõ nhỏ, phố nhỏ.
Theo bà Vân, trong dự luật đã quy định hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy. Bà đề nghị bổ sung nơi đốt vàng mã cũng phải bảo đảm an toàn phòng cháy.
Đề cập vấn đề phòng cháy, chữa cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng: "Tất cả các nhà mặt phố vi phạm hết, đóng cửa hết. Vấn đề đặt ra phải xử lý thế nào, như Hà Nội và TP.HCM đặc điểm nhà ống, tầng dưới kinh doanh còn ở phía trên ngăn khói ra sao cũng phải tính toán cho phù hợp thực tế".
Ông Giang đặt vấn đề: “Những cơ sở đã thiết kế xây dựng rồi, khi luật có hiệu lực, các công trình có phải làm lại theo luật này không. Vậy cần quan tâm quy định chuyển tiếp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận