Chiều 25-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi).
Điều chỉnh 3 dịch vụ mới
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với ba dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.
Trước ý kiến trên, ông Huy cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự thảo luật điều chỉnh ba dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây đã trở thành những thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, hạ tầng của nền kinh tế số.
Việc điều chỉnh kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây sẽ tạo môi trường pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Còn việc điều chỉnh dịch vụ OTT viễn thông sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nhiều quốc gia đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông.
Theo ông Lê Quang Huy, có ý kiến đề nghị cần tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm triển khai việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá và quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến nhất trí tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích nhưng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để hoạt động hiệu quả. Có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết, hiệu quả hoạt động của quỹ và những vướng mắc trong thời gian qua.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo đánh giá tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động của quỹ từ khi thành lập năm 2005 đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực.
Quỹ đã hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đối tượng công ích trên toàn quốc chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và thiết bị đầu cuối.
Đấu giá sim số đẹp để tăng thu ngân sách
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đồng tình với nội dung về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động. Tuy nhiên, theo ông, trong thực tế rất nhiều sim số đẹp, có giá trị rất cao so với giá khởi điểm là 262.000 đồng.
Do đó, ông Cảnh cho rằng cần phân nhóm sim số đẹp đưa ra đấu giá để tăng thu ngân sách, nhưng giảm được số lượng người trúng đấu giá mà không lấy.
“Với số đẹp, nhiều người sẵn sàng đấu giá từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Sau đó họ bỏ số với lý do giá không hợp lý nhưng chỉ mất số tiền cọc 262.000 đồng”, ông Cảnh nói và đề nghị đơn vị soạn thảo dự luật tham khảo việc thí điểm đấu giá biển số ô tô.
Với những số thuê bao đẹp, có giá trị cao, ông Cảnh gợi mở việc tham khảo thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và đề nghị việc phân nhóm này giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể.
"Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá.
Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp", ông Cảnh đề xuất.
Tiếp thu, giải trình sau đó, ông Lê Quang Huy cho hay về quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, đây là xu hướng phát triển, vấn đề này không chỉ được điều chỉnh trong Luật Viễn thông mà cả trong Luật Tần số vô tuyến điện.
Cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng đã nghiên cứu thêm về giá khởi điểm sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đảm bảo quy định pháp luật có liên quan, trong đó có pháp luật về đấu giá...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận