15/11/2019 12:41 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề xuất có luật riêng về hộ kinh doanh

NGỌC AN - LÊ KIÊN - NGỌC HIỂN
NGỌC AN - LÊ KIÊN - NGỌC HIỂN

TTO - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất của Chính phủ sửa đổi các quy định liên quan đến hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi mà kiến nghị cần phải có luật riêng về hộ kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội đề xuất có luật riêng về hộ kinh doanh - Ảnh 1.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có Luật riêng về Hộ kinh doanh - Ảnh: TTO

Sáng ngày 15-11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi. 

Theo đó, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập, đăng ký doanh nghiệp, nên sẽ bổ sung quy định đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và bãi bỏ một số thủ tục như con dấu, thông tin người quản lý. 

Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp để trao thêm quyền?

Đặc biệt, dự thảo luật bổ sung về hộ kinh doanh với nguyên tắc thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, không ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, nêu quan điểm trong báo báo cáo thẩm tra dự án luật, ông Vũ Hồng Thanh - chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết, song việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh). 

Do đó, cơ quan này đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Cũng tại buổi thảo luận tại tổ, ủy viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng hộ kinh doanh là thành phần kinh tế quan trọng với 5 triệu hộ. Tuy nhiên, chỉ có 1,4 triệu nộp thuế còn lại là đóng thuế khoán, dẫn tới sự thiếu minh bạch hoặc thậm chí là hộ kinh doanh phải bỏ tiền thuế khoán nhiều hơn mà nhà nước vẫn không thu được. 

"Chi phí không chính thức nhiều nhưng địa vị pháp lý lại không cao, nên quan điểm tôi là cần có đạo luật riêng về hộ kinh doanh. Trước hết cần ban hành nghị định riêng về hộ kinh doanh, xác định địa vị pháp lý, điều kiện kinh doanh, cơ chế hỗ trợ, quản trị kế toán theo hướng tinh gọn, nhẹ nhàng" - ông Sinh nói. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị phải làm rõ việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì có có gì tốt, có gì không tốt đối với bản thân các hộ kinh doanh và công tác quản lý nhà nước. 

"Chỉ khi việc kinh doanh hộ gia đình phát sinh những vấn đề cần pháp luật điều chỉnh mà bản thân họ không giải quyết được thì mới đưa vào. Ví dụ hộ gia đình có sử dụng lao động, có quan hệ lao động, khi đó liên quan đến các vấn đề như hợp đồng lao động, nộp bảo hiểm xã hội, và nếu xảy ra tranh chấp cần giải quyết thì phải có nhà nước" - ông Cường đề nghị. 

Còn theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), cho rằng không nên đưa vào Luật Doanh nghiệp vì không thuộc phạm vi điều chỉnh. Theo đó, cần có một nghị định về hộ kinh doanh và sau đó tính tới việc ban hành Luật về hộ kinh doanh gia đình. Còn trường hợp đưa vào thì phải đổi luật là "Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh".

"Ở các nước thì cái gì cũng qua hoá đơn, thuế họ thu ở đó. Còn ở ở ta khoán thuế cho hộ gia đình, nên có những hộ gia đình doanh thu lớn hơn cả doanh nghiệp nhưng vẫn không đăng ký thành lập doanh nghiệp. Giải pháp là chúng ta cần quản lý thuế thật tốt, khi đó hộ gia đình muốn phát triển họ sẽ tự đăng ký thành lập doanh nghiệp" - ông Bình bày tỏ. 

Giải trình thêm, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện hộ kinh doanh đã được quy định trong Nghị định 78, song các nhà đầu tư không yên tâm về sự bảo hộ, bảo vệ pháp luật với loại hình kinh doanh này. Mặc dù không phải là loại hình doanh nghiệp nhưng ông cho rằng đây là hình thức kinh doanh cần được định vị pháp lý và bảo vệ, có quy định rõ về trách nhiệm dân sự, quyền của hộ kinh doanh, quản trị nội bộ.  

"Việc trao thêm quyền là phải dựa trên quy định của luật, chứ không phải ở văn bản dưới luật, nên việc đưa hộ kinh doanh vào dự án luật này là cần thiết" - ông nhấn mạnh. 

Đưa hộ kinh doanh vào luật doanh nghiệp đã lấy ý kiến hộ hay chưa?

75299809_566270814175450_5784271085906165760_n

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân trao đổi tại thảo luận họp tổ về 2 dự án Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) đặt câu hỏi đối với đại biểu Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI) rằng nếu đưa các hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là để "nuôi dưỡng", cho họ phát triển tốt hay để ràng buộc họ?

Đáp lời, đại biểu Lộc cho rằng đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật để bảo vệ và thúc đẩy họ phát triển, không phải để quản lý. Thực tế có những hộ kinh doanh đã vươn ra nước ngoài làm ăn nhưng không được thừa nhận và các vấn đề kiện tụng thì khó được bảo vệ.

"Tinh thần đưa vào để đảm bảo bình đẳng họ trước các doanh nghiệp khác" - ông Lộc nhấn mạnh đưa vào sẽ không gây khó khăn mà chính sách phải đơn giản như không thực hiện kế toán "kép".

Tuy nhiên, ông Quân đặt vấn đề việc đưa vào này đã lấy ý kiến hộ kinh doanh hay chưa. "Lấy ý kiến hộ kinh doanh hay chưa, lấy ở đâu, đại hội thảo hay tiểu hội thảo? Nếu đưa họ vào nhưng họ không được lấy ý kiến, họ không biết thì rất có vấn đề", ông Quân nói.

Trả lời vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng các hộ kinh doanh hiện nay vẫn phải nộp thuế nhưng không phải nộp vào ngân sách nên cần phải bảo vệ bằng cách luật hoá. Theo ông Thân, quan trọng nhất của các hộ kinh doanh này là vấn đề xử lý về thuế. "Tôi rất ủng hộ đưa hộ kinh doanh vào luật để bảo vệ người ta bằng pháp lý, trên cơ sở đó để có chính sách ưu tiên các hộ này, mục đích là bảo vệ và phát triển", ông Thân nói.

Tuy nhiên, ông Quân vẫn tiếp tục "truy" 2 vấn đề là nếu đưa hộ kinh doanh vào luật thì "lấy ý kiến họ, thái độ họ thế nào, lấy ở đâu?" và "đưa vào như vậy họ có lớn lên không, có điều kiện để chăm bẵm tốt hơn không?".

Tuy nhiên, câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ tại cuộc thảo luận tại tổ Thái Bình.

Không ép buộc hộ kinh doanh "khoác áo" doanh nghiệp Không ép buộc hộ kinh doanh 'khoác áo' doanh nghiệp

TTO - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề khi trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 16-10: Không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

NGỌC AN - LÊ KIÊN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên