Đại biểu Lê Thành Hoàn - Ảnh: PHẠM THẮNG
Chiều 26-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý vụ việc bạo lực gia đình ngay sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình.
Đối với trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc các vụ việc bạo lực gia đình có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì chủ tịch UBND cấp xã phân công công an cấp xã tiến hành xác minh, xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) viện dẫn dự luật về xử lý tin báo, tố giác bạo lực gia đình: "...khi nhận tin báo, tố giác về vụ việc bạo lực gia đình phải thông báo ngay cho chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình".
Ông Hòa cho rằng người nhận tin báo là báo ngay cho công an, đồn biên phòng nơi gần nhất để phối hợp đến hiện trường ngăn chặn kịp thời hoặc trực tiếp, sau đó báo cho chủ tịch UBND cấp xã biết.
"Như vậy sẽ kịp thời ngăn chặn sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Còn chờ chủ tịch xã phân công công an xã xử lý là chậm", ông nêu.
Về cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã, ông Hòa cho rằng điều này rất cần thiết để phòng ngừa hành vi bạo lực có thể tiếp tục xảy ra. Cấm tiếp xúc theo quyết định của tòa án cũng rất cần thiết để bảo vệ tính mạng, nhân phẩm của người bị bạo lực.
Tuy nhiên ông đề nghị giải trình rõ cơ sở nào đưa ra mức cấm 4 tháng của tòa án, trong khi chủ tịch UBND xã chỉ quy định 3 ngày.
Liên quan đến thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, dự thảo quy định danh mục công việc do chủ tịch UBND xã công nhận.
Ông Hòa nói việc này là phù hợp và không thể bắt buộc phải quyết định của cộng đồng dân cư vì đây là cá nhân. "Không thể gì cũng họp cộng đồng, cũng không ai rảnh mà đi họp để quyết định việc riêng của người khác”, ông Hòa nói thêm.
Còn đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị không hòa giải hành vi bạo lực gia đình bởi đây là hành vi đã và đang diễn ra.
"Cạnh đó để ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình, khi nhận được tin báo tố giác vụ việc bạo lực gia đình thì công an cấp xã có quyền yêu cầu đề nghị người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã để xác minh, làm rõ. Trường hợp không chấp hành thì có quyền tạm giữ người theo quy định của pháp luật", ông Hoàn kiến nghị.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) cũng cho rằng dù đã quy định 16 nhóm hành vi bạo lực gia đình nhưng nếu tham chiếu quy định Bộ luật hình sự vẫn còn thiếu 5 nhóm hành vi.
Cụ thể các hành vi xâm phạm quyền tự do con người; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực với các thành viên gia đình; ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình thực hiện quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng; cản trở quyền thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí, thông tin; cản trở tham gia các hoạt động về văn hóa, thông tin, thể dục thể thao.
Ông đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự thảo những hành vi nêu trên.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết hiện công an cấp xã đang thực hiện chức năng phòng ngừa xã hội.
Đối với trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai hoặc các vụ việc bạo lực gia đình có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì chủ tịch UBND cấp xã phân công công an cấp xã tiến hành xác minh, xử lý tin báo, tố giác.
Việc các đại biểu kiến nghị công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã để làm rõ hành vi sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận