25/07/2021 09:22 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: Dập dịch COVID-19 quyết liệt nhưng không nên thái quá, cực đoan

NGỌC AN - TIẾN LONG
NGỌC AN - TIẾN LONG

TTO - Đại biểu Quốc hội cho rằng việc phòng, chống dịch COVID-19 cần sự quyết liệt nhưng không nên thái quá, cực đoan gây ảnh hưởng không cần thiết đến người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội: Dập dịch COVID-19 quyết liệt nhưng không nên thái quá, cực đoan - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Ảnh: QUOCHOI.VN

Ngày 25-7, Quốc hội dành trọn một ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đánh giá tình hình trong 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021.

Phiên thảo luận buổi sáng có 64 đại biểu đăng ký phát biểu, nhiều ý kiến tập trung vào đề xuất một số giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - nhận định thời gian qua nhiều địa phương đã có những giải pháp phòng chống dịch sáng tạo, linh hoạt. Tuy vậy, cũng có địa phương áp dụng văn bản thái quá, mỗi tỉnh một quy định khiến vận tải hàng hóa bị ách tắc.

“Cả nước như cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không vì dịch bệnh mà ngăn cách, cách ly nhưng không tách rời”, bà Thủy nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng phê bình các địa phương áp dụng biện pháp thắt quá chặt và yêu cầu rà soát việc vận chuyển hàng hóa.

Theo bà Thủy, một bài học quý giá trong phòng chống dịch là tăng cường xử lý kỷ luật những trường hợp làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, giúp tăng số lượng người khai báo y tế.

Bà Thủy cũng cho rằng khó khăn từ đại dịch đang ngấm vào đời sống người dân và doanh nghiệp, việc Chính phủ sớm có gói hỗ trợ lần thứ hai là cần thiết. Bà kiến nghị Chính phủ sớm giao các bộ ngành liên quan, có phần mềm thống kê liên thông các đối tượng được hỗ trợ để chính sách thực hiện đúng đối tượng. Đồng thời rà soát đánh giá sức chống chịu hiện nay của doanh nghiệp để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Bình - cho rằng dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, nhưng việc ứng phó hiện nay còn mang tính ngắn hạn. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp dài hạn, chiến lược sống chung với dịch bệnh.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, bà Tâm cho rằng cần ngăn chặn tình trạng lãng phí được đánh giá là "nguy hại hơn cả tham nhũng" nhưng nhiều người vẫn xem nhẹ.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đánh giá từ tháng 4-2021, người dân và doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19. Hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, việc tiếp tục "mục tiêu kép" rất khó khăn nhưng phải quyết liệt thực hiện.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội - lưu ý rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ COVID-19, gói thứ hai 26.000 tỉ đồng cần có chính sách hỗ trợ thông thoáng hơn, khẩn trương, không phô trương, hình thức.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng dịch COVID-19 có thể hết trong thời gian tới, hoặc kéo dài 2-3 năm, cần có nhiều kịch bản để xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội vừa sức, hiệu quả.

Đại biểu là bác sĩ cũng mong người dân hiểu vai trò vắc xin là giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, có nhiễm cũng sẽ có triệu chứng nhẹ hơn, nếu có trở nặng cũng giảm nguy cơ tử vong, qua đó ủng hộ chiến dịch tiêm vắc xin của Chính phủ.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cảm ơn đồng bào hỗ trợ TP chống dịch

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cảm ơn đồng bào hỗ trợ TP.HCM chống dịch - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ảnh: QUOCHOI.VN

Sáng 25-7, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM gửi lời cảm ơn chân thành đến các cá nhân, tổ chức, địa phương đã hỗ trợ, động viên cho TP phòng chống dịch thời gian qua.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, TP.HCM đang trải qua những ngày tháng chống dịch cam go, căng thẳng, phức tạp.

Nhưng trong gian khó đó, người dân TP cảm nhận sâu sắc sự sẻ chia, quan tâm ấm lòng, tình người, tình đồng chí, tình đồng bào từ người dân, doanh nghiệp từ mọi miền đất nước.

"Những nông sản, rau củ quả thu hoạch vội vàng trong vườn, những thủy hải sản mới đánh bắt ngoài biển khơi, những bó rau thơm tình dân tộc đã nhanh chóng được đóng gói chuyển vào TP.

Kèm theo đó là những sẻ chia, nhắn nhủ yêu thương để chuyển đến tay người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, người nghèo, người trong các khu cách ly, phong tỏa. Không kể siết những tình cảm quan tâm của đồng bào tôn giáo, kiều bào đã gửi, chia sẻ cùng thành phố trong những ngày qua", ông Ngân xúc động nói.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM gửi lời trân trọng cảm ơn nhân dân cả nước luôn dõi theo tình hình dịch của TP, hỗ trợ vật chất, tinh thần, tài chính, nguồn nhân lực y tế, tiếp thêm sức lực, nguồn năng lực tích cực giúp TP chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

"Chúng tôi luôn ghi nhớ, tri ân những tấm lòng của nhân dân cả nước", ông Ngân nói. "Dù còn nhiều cam go, thử thách nhưng TP đã và đang nỗ lực hết sức với quyết tâm sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thương như lòng dân mong đợi".

Quốc hội rút ngắn thời gian họp 3 ngày, bế mạc ngày 28-7 Quốc hội rút ngắn thời gian họp 3 ngày, bế mạc ngày 28-7

TTO - Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ kết thúc sớm hơn 3 ngày so với chương trình đã được Quốc hội thông qua và dự kiến bế mạc ngày 28-7, thay vì ngày 31-7 như ban đầu.

NGỌC AN - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên