Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh - Ảnh: Cổng Thông tin Quốc hội |
Một trong các căn cứ để Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết này là “xét đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương của ông Nguyễn Văn Cảnh”.
Nghị quyết nêu rõ: “Ông Nguyễn Văn Cảnh, ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định thôi làm ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIV kể từ ngày 15-2-2017”.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết đã có thông báo chấm dứt trả lương cho ông Cảnh ở vị trí này, tức ông không còn là cán bộ, công chức nhà nước nữa.
Ông Nguyễn Văn Cảnh sinh ngày 7-12-1977, quê Phù Cát, Bình Định, có bằng thạc sĩ kinh tế. Ông Cảnh ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII (năm 2011) thuộc cơ cấu đại biểu trẻ, doanh nghiệp tư nhân, người ngoài đảng.
Tuy vậy, sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội, ông Cảnh có quá trình thăng tiến rất nhanh: kết nạp Đảng năm 2012, lý luận chính trị cao cấp, chuyên viên rồi lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định trước khi được phê chuẩn làm ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội vào cuối nhiệm kỳ.
Chức danh ủy viên thường trực các ủy ban của Quốc hội là một chức danh lãnh đạo, nhận phụ cấp 1.25 và có chế độ xe đưa đón.
Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (năm 2016), ông Nguyễn Văn Cảnh được giới thiệu ứng cử với cơ cấu đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương. Vì vậy, quyết định “cáo quan về quê” của ông Cảnh gây bất ngờ.
Ngày 10-3, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với đại biểu Nguyễn Văn Cảnh qua điện thoại để hỏi lý do ông bất ngờ xin về quê, trong đó có cả tin đồn ông bị kỷ luật, thì nhận được trả lời: “Mọi chuyện cứ hỏi lãnh đạo Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, còn tôi thì khi tiếp xúc cử tri nếu được cử tri yêu cầu, tôi có trách nhiệm trả lời”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ, đại diện Ban Công tác đại biểu cho biết nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ với ông Cảnh “trước hết là đáp ứng nguyện vọng cá nhân của ông ấy”.
Theo các quy định hiện hành, thẩm quyền phê chuẩn (hoặc cho thôi nhiệm vụ) các phó chủ tịch, ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội, các phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực các ủy ban của Quốc hội thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trước đây thẩm quyền này thuộc Quốc hội). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận