Sáng 7-1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tổng thể quốc gia "rất khó"
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An (đại biểu đoàn Đồng Nai) cho rằng việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ “chưa có tiền lệ, rất khó”.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Vì vậy, quy hoạch phải khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá và thuận lợi để giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện.
“Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn. Quy hoạch không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần. Cũng không nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng ban hành”, ông An nhấn mạnh.
Quy hoạch không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng quy hoạch tổng thể quốc gia “vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm”.
Đơn cử như xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian theo vùng. Thực tế, có sáu vùng không gian phát triển đều có sản phẩm du lịch chính gần như giống nhau.
Đại biểu Nga cho rằng "liệt kê tổng hợp" tất cả những sản phẩm du lịch hiện có, chứ không phải quy hoạch tổng thể. Dẫn chứng, 4/6 vùng xác định sản phẩm du lịch chính là biển đảo, 5/6 vùng có sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái, 6/6 vùng có sản phẩm du lịch chính là du lịch biên giới gắn với cửa khẩu…
Do cố gắng liệt kê hết những sản phẩm du lịch hiện có nên sản phẩm du lịch quá nhiều. Theo đại biểu, việc ôm đồm một cách an toàn khiến quy hoạch chưa thực sự “trọng tâm, trọng điểm”. Điều này là không phù hợp với quan điểm "dựa trên tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh".
Băn khoăn quy hoạch đại học
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) thì băn khoăn quy hoạch đại học nêu ra việc sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học quy mô nhỏ, đơn ngành. Đó là trường hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng dựa trên tiêu chuẩn các cơ sở giáo dục đại học.
Theo ông, cần phải diễn đạt lại để tránh hiểu lầm. Bởi xu hướng đa ngành phù hợp trường lớn như Bách khoa hay một số trường đại học đang thành lập các trường trong đại học. Dù đây là xu hướng tốt nhưng không phải trường nào cũng có nguồn lực lớn như Bách khoa để mở ra đa ngành.
“Nhiều trường đại học của chúng ta nhỏ nhưng hiệu quả. Việc sáp nhập, hợp nhất, giải thể trường đại học nhỏ, đơn ngành có thể dẫn tới các trường cố gắng đa ngành để tránh việc giải thể, hợp nhất. Tức là "nhà bán cơm thì lại nỗ lực mở thêm hàng phở và kết quả là cơm cũng dở và phở cũng không ngon”” - đại biểu Nghĩa nêu vấn đề.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến. Đây là công trình nghiên cứu "đồ sộ" với 41 hợp phần, hàng nghìn tài liệu, có sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước.
Nhìn nhận quy hoạch làm sao để không chung chung quá, nhưng cũng không cụ thể quá để không trùng với quy hoạch ngành, địa phương là vấn đề khó. Do đó, ông Dũng cho rằng việc xây dựng nội dung đảm bảo tuân thủ nghị quyết của Đảng, theo hướng phân vùng và liên kết vùng, tổ chức không gian...
Với các quan điểm phát triển, sẽ khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, mà trọng tâm trọng điểm. Tạo ra động lực phát triển mới, gắn với đảm bảo an sinh xã hội và môi trường. Phát triển cân bằng hài hòa vùng, địa phương, các vùng động lực...
Về nguồn lực thực hiện cần 48,3 triệu tỉ đồng, ông Dũng nói sẽ huy động tối đa từ nguồn lực nhà nước, đầu tư tư nhân thông qua hợp tác công tư, nguồn lực nước ngoài... trên cơ sở lợi thế so sánh các vùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận