Thủ tướng có ý kiến về một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi) - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi) với nhiều nội dung băn khoăn về việc kiểm soát tiền ảo, để tránh nguy cơ lợi dụng đồng tiền này trong hoạt động rửa tiền.
Là cơ quan thẩm định dự thảo luật, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (đại biểu Cần Thơ) cho rằng tiền điện tử hiện là loại hình giao dịch phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù dự thảo luật đã đề cập loại tiền này là hành vi bị cấm bao gồm tiền điện tử, nhưng lại chưa đưa ra khái niệm tiền điện tử, nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
"Rửa tiền qua tiền điện tử là nguy cơ hiện hữu, nên đặt ra vấn đề là có cần quản lý tiền điện tử gắn với quản lý rửa tiền hay không?" - ông Hùng đặt câu hỏi.
Cũng bày tỏ băn khoăn, đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng tiền ảo và tiền kỹ thuật số ở Việt Nam hiện không được giao dịch. Nếu dự thảo không đưa ra vấn đề này, không có biện pháp quản lý thì đây có thể là "kẽ hở" để rửa tiền.
"Mặc dù tiền này không được chấp thuận, không được đưa vào luật, nhưng có thể các đối tượng dùng tiền để mua tiền ảo rồi bán hoặc chuyển tiền ra nước ngoài. Nếu không có chế tài mạnh thì trong trường hợp thông đồng chuyển tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài sẽ rất ảnh hưởng. Vì vậy cần quy định chặt chẽ" - ông Vận nói.
Nêu quan điểm liên quan đến dự thảo Luật phòng chống rửa tiền sửa đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay khi thảo luận ở Chính phủ cũng có hai loại ý kiến. Tuy nhiên, tờ trình thống nhất không đưa nội dung tiền ảo vào quy định của dự thảo luật vì hiện chưa có căn cứ pháp lý để công nhận tiền ảo.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nhìn nhận thực tế được các đại biểu nêu và đặt ra câu hỏi: "Thực tế sử dụng thì có chế tài xử lý thế nào?". Theo Thủ tướng, dù Việt Nam không công nhận tiền ảo, nhưng loại tiền này vẫn được sử dụng. Tức dù không có chế tài xử lý thì thực tế vẫn diễn ra, với nhiều thay đổi, diễn biến nhanh.
"Thực tế đang vướng chỗ này, cũng rất sốt ruột. Vì vậy phải nghiên cứu chế tài xử lý phù hợp. Khi chưa được pháp luật công nhận thì có cách xử lý thế nào cho phù hợp và nên giao Chính phủ nghiên cứu xử lý" - Thủ tướng nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận