Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức (đại biểu đoàn TP.HCM) cho rằng qua giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều vướng mắc, bất cập, nên cần phải có nghị quyết với cơ chế đặc thù.
Tuy nhiên, ông băn khoăn một số nội dung trong dự thảo nghị quyết khi đưa ra giải thích một loạt thuật ngữ.
Ví dụ như các dự án thành phần, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi, liên kết cộng đồng, người dân, phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng quy mô nhỏ…
Chỉ hỗ trợ doanh nghiệp có liên kết, không hỗ trợ cá nhân thì khó
Trong khi theo chương trình, bắt buộc phải có doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hợp tác với cá nhân và hộ gia đình…
Tức là để thực hiện dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, được phân bổ ngân sách, cá nhân không thể thực hiện được, mà phải có liên kết và có dự án.
"Nếu nghị quyết không cụ thể sẽ khó triển khai ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làng bản, nơi chỉ có chục hộ cách xa nhau.
Vậy tuyên truyền thế nào, liên kết với nhau sản xuất trong tiểu dự án để thực hiện sao cho hiệu quả?" - ông Đức đặt vấn đề.
Nghị quyết này quy định về các chương trình phát triển như mỗi xã một sản phẩm, các chương trình làng nghề, du lịch nông thôn…
Theo ông Đức, ba nhóm này thường gắn với đồng bằng nhiều hơn. Do đó, cần phải đánh giá các chương trình gắn với cơ chế mở, nếu không sẽ khó khăn trong triển khai.
Về ủy thác vốn cân đối ngân sách cho địa phương, nghị quyết nêu HĐND cấp tỉnh, huyện được bố trí vốn cân đối.
Tuy nhiên, đại biểu Đức cho rằng cần phải đối chiếu so sánh với Luật Đầu tư công, làm rõ việc cấp tỉnh và huyện sẽ được quyết định số vốn là bao nhiêu. "Quy định hiện nay là lửng lơ sẽ khó triển khai" - ông đánh giá.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn cũng cho rằng cần có cơ chế linh hoạt trong dự toán, thanh quyết toán ngân sách trong cả giai đoạn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, để khi cần điều chỉnh thì không vướng.
Như với cơ chế quản lý sử dụng tài sản hình thành từ hỗ trợ sản xuất, ông Toàn đề nghị cần thiết kế cơ chế Nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án cho người dân, hộ gia đình.
Gắn với đó là cơ chế giám sát quá trình dùng vốn ngân sách đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, lợi ích nhóm.
Người dân có tư tưởng chưa yên tâm thoát nghèo
Về thí điểm phân cấp, ông Toàn đồng tình việc phân cấp nhưng băn khoăn việc thí điểm. Bởi theo tờ trình Chính phủ đề nghị giao mỗi tỉnh chọn 1 huyện để thí điểm, trong khi thời gian tới 2025 rất ngắn, nên tính hiệu quả, tác động không cao.
Do đó, ông đề nghị có quy định mở là có thể thực hiện theo quy định hiện hành, hoặc phân cấp quyền quyết định sử dụng vốn cho UBND hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định.
Từ đó, giao đơn vị nào thực hiện mức độ ra sao sẽ do địa phương quyết định phù hợp thực tế, chứ không thí điểm cho cấp huyện.
Liên quan tới cơ chế đặc thù, theo ông Toàn, hiện có nhiều chương trình phát triển kinh tế xã hội tại nông thôn với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Tuy nhiên, người dân có tư tưởng chưa yên tâm thoát khỏi hộ nghèo, vì khoảng cách thu nhập giữa hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn đa chiều mới vẫn còn mong manh.
"Nếu không có hỗ trợ từ Nhà nước, khả năng tái nghèo có thể xảy ra" - ông nêu quan điểm và đề nghị kéo dài chính sách hỗ trợ an ninh với hộ nghèo trong giai đoạn đầu mới thoát nghèo, thời gian 3-5 năm. Đơn cử như hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí và các chính sách an sinh xã hội khác.
"Họ như người ốm mới khỏi bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn mới. Khỏi bệnh để yên tâm sản xuất, tránh tái nghèo.
Việc này xóa bỏ tư tưởng muốn trong diện nghèo, xã nghèo để được hưởng chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước" - ông Toàn nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận