Ngày 29-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, phiên sáng có 152 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến.
Lo ngại doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao
Đánh giá những kết quả đã đạt được của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cho rằng hoạt động doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế, chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019.
Đặc biệt là số doanh nghiệp giải thể tăng cao, lần đầu tiên số gia nhập thị trường thấp hơn số rút lui khỏi thị trường, là yếu tố tiêu cực của nền kinh tế.
"Đề nghị Chính phủ đánh giá khó khăn của doanh nghiệp để có hỗ trợ phù hợp" - ông nói thêm là hiện tín dụng tăng trưởng thấp, nên Chính phủ cần khơi thông tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng và doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cũng cho rằng tín dụng tăng trưởng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay số doanh nghiệp giải thể tăng cao, doanh nghiệp và thị trường khó khăn, cần tạo dựng niềm tin để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Do đó, đại biểu đề nghị cần khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống, đặc biệt là các luật mới ban hành.
Chính phủ đề xuất cho phép các luật Đầu tư, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn để tháo gỡ khó khăn, nhưng Chính phủ và các bộ ngành cần chuẩn bị văn bản để khi có hiệu lực triển khai ngay.
Gắn với đó là việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ dám làm. Cần sớm đẩy nhanh, điều tra truy tố xét xử các vụ án kinh tế, tiếp tục đưa ra thông điệp không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hoạt động kinh tế.
Huy động các nguồn lực gồm ngoại tệ trong dân
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng việc tiếp tục miễn giảm thuế, cơ cấu lại nợ, ổn định tỉ giá, kiểm soát lạm phát được ủng hộ. Tuy nhiên, thế giới biến động nhanh chóng, khó lường, khó đoán định nên cần có giải pháp tương thích.
Theo đó, cần phải tăng cường phân cấp phân quyền, phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo. Giá cả biến đổi nhanh, thủ tục đầu tư công, điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần sớm luật hóa.
Đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới xuất hiện nhiều thách thức như chạy đua vũ trang, xung đột chính trị, cạnh tranh nước lớn nên dễ dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì vậy cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế, ưu tiên thị trường nội địa và xúc tiến thương mại thị trường lân cận như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ...
Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực huy động các nguồn lực, với mục tiêu huy động 100.000 tỉ đồng cho đầu tư phát triển, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) kiến nghị cần có giải pháp huy động ngoại tệ trong dân.
Bởi theo ông, hiện nay lượng kiều hối của dân rất lớn, một năm hơn 20 tỉ USD. Thực tế, người dân giữ USD luôn xem Ngân hàng Nhà nước điều hành tỉ giá trung tâm để có phương án sử dụng, nắm giữ.
"Trường hợp nếu tỉ giá trung tâm càng tăng thì người dân càng găm giữ USD, trong khi các nước xung quanh tăng lãi suất USD thì chúng ta cũng nên nghĩ liệu có tình trạng chảy USD của ta từ trong nước ra nước ngoài hay không? Bởi nếu lãi suất huy động USD của ta bằng 0 thì các nước xung quanh, nhất là Mỹ đã tăng 5,5%/năm" - đại biểu đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Sơn, Chính phủ nên tính toán huy động nguồn lực, kể cả nội tệ và ngoại tệ để đầu tư phát triển thì sẽ có nhiều nguồn lực. Bởi thay vì đi vay nước ngoài, cũng là USD thì người dân có nhiều USD nên cần quan tâm nguồn lực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận