Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) chất vấn - Nguồn: THQH
Chiều 6-11, đến lượt chất vấn, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp "gọi tên" Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà để tiếp tục truy vấn chủ đề đã được đặt ra từ ngày hôm trước.
Bộ trưởng có trách nhiệm như thế nào?
"Bộ trưởng nói bão lũ, sạt ở ở miền Trung trong những ngày qua là do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Vậy bộ trưởng cho biết thời gian tới bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?", nữ đại biểu hỏi.
"Theo bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam. Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?", bà H’Bơ Khăp nêu chất vấn.
Cùng chủ đề, đại biểu Gia Lai trao đổi với Thủ tướng: "Tây Nguyên không thể trở thành sa mạc mà phải được phủ xanh bạt ngàn, phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng. Khi nghe được, tôi thực sự xúc động và trân trọng trăn trở đó của Thủ tướng".
Và chất vấn: "Xin Thủ tướng cho biết việc phá rừng đúng quy trình thông qua các dự án thì phải điểm tên, chỉ mặt tổ chức, cá nhân nào hay cứ bảo do Quốc hội bấm nút là được. Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không, công tác cán bộ của ta nên đưa văn hóa này vào chưa?".
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn - Nguồn: THQH
Rừng còn quan trọng hơn cả trời
Trả lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: "Tôi muốn nói với đại biểu rằng khi trả lời tôi không nói thủy điện là nguyên nhân hay thủy điện không là nguyên nhân. Tôi nói rằng con người là nguyên nhân".
"Khi quyết định làm thủy điện thân thiện với môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác, như Na Uy rất nhiều thủy điện, họ dựa trên thế năng tự nhiên. Còn nếu chúng ta tận dụng mọi cơ hội để khai thác thủy điện và chúng ta chấp nhận bỏ rừng thì khi đó là nguyên nhân con người", ông Hà nói.
Bộ trưởng tiếp tục trình bày: "Đại biểu nói với tôi rằng rừng quan trọng như thế nào, là trời. Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn cả trời. Bởi vì tôi thở không khí từ oxy. Rừng cung cấp 70% các tài nguyên cung cấp cho cuộc sống của con người. Rừng là hết sức thiêng liêng. Rừng sinh thủy. Rừng chứa chúng ta, trong chiến tranh thì rừng che bộ đội".
"Tôi muốn nói về vấn đề đại biểu nêu thì tôi nói thủy điện không phải là nguyên nhân, là hậu quả do các việc chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không dựa vào quy luật tự nhiên, việc này chúng ta có thể khắc phục được. Thứ hai, mất rừng không có nghĩa là cứ nghĩ đến thủy điện".
Ông giải thích kỹ: "Mất rừng là do chúng ta tư duy sai trái, đó là trong nhà toàn dùng đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã. Mất rừng chính là người ta đã thay thế rừng tự nhiên bằng những cánh rừng sản xuất bình thường như cây cà phê - không thể thay thế được hệ sinh thái rừng tự nhiên".
"Tôi muốn nói rằng chúng ta phải hiểu là mất rừng còn nhiều nguyên nhân khác. Từ góc độ này, với tư cách là người làm môi trường, chúng tôi sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, cùng Quốc hội rà soát từng mét vuông đất nếu chuyển từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng.
Sắp tới với rừng phòng hộ đặc dụng, nếu nơi nào không còn rừng nhưng có chức năng bảo vệ, phòng hộ con người thì chúng ta phải phục hồi lại rừng, mà phải phục hồi rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên", bộ trường Hà nói.
Và nhắn nhủ nữ đại biểu trẻ: "Tôi rất mong đại biểu nghe lại băng tôi trả lời để có sự hiểu biết nhau hơn".
"Tôi cố gắng thấu hiểu, bộ trưởng thì không?"
Giơ bảng sử dụng quyền tranh luận sau đó, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nói: "Tôi rất cảm ơn vì bộ trưởng đã khẳng định rằng cây rừng tự nhiên là vấn đề cốt lõi của mọi vấn đề trong bảo vệ môi trường".
"Tuy nhiên, tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, nhưng bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì. Câu hỏi của tôi bộ trưởng chưa trả lời. Tôi hỏi bộ trưởng có ủng hộ tiếp tục xây dựng thuỷ điện nhỏ nữa hay không? Câu hỏi có hoặc không chứ không có nhưng", nữ đại biểu nói.
"Tôi hỏi theo bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay? Nó liên quan đến việc sạt lở vừa qua ở Miền Trung, không tự nhiên mà trời mưa được, không tự nhiên mà địa chất đứt gãy".
Bà Ksor H’Bơ Khăp: "Bộ trưởng có nói trong hội trường này rằng dân ở đó sống cả trăm năm nay và họ trồng rừng cây sản xuất, đấy chính là lý do của việc sạt lở. Tức là cây rừng tự nhiên đã mất đi từ lâu rồi, không có sự cải tạo đất nên gây ra địa chấn và vấn đề môi trường. Trách nhiệm của bộ trong việc đánh giá vấn đề môi trường đối với các dự án, công trình rõ ràng là có sai sót nên mới gây ra hậu quả như ngày hôm nay".
"Thứ ba là với tư cách chuyên gia, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng thấy trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam? Câu này bộ trưởng cũng chưa trả lời", đại biểu Gia Lai nhấn mạnh.
Sau phần tranh luận này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi kỹ lại để đại biểu nắm rõ thông tin, dành thời gian ở Quốc hội cho các đại biểu chất vấn những vấn đề khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận