24/10/2016 18:09 GMT+7

Đài BBC lật tẩy nạn bóc lột người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Một cuộc điều tra bí mật của đài BBC phát hiện ra rằng những đứa trẻ tị nạn Syria đang phải may quần áo cho các nhãn thời trang của Anh để mưu sinh.

Trẻ em Syria buộc phải làm việc trong điều kiện lao động tồi tệ để mưu sinh - Ảnh: BBC
Trẻ em Syria buộc phải làm việc trong điều kiện lao động tồi tệ để mưu sinh - Ảnh: BBC

Chương trình truyền hình Panorama của đài BBC đã thâm nhập vào các xưởng may tại Thổ Nhĩ Kỳ và phát hiện trẻ em đang bị bóc lột lao động để làm ra các sản phẩm cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng của Anh là Marks&Spencer và nhà bán lẻ trực tuyến Asos.

Ngoài ra chương trình cũng phát hiện những người tị nạn đang may quần jean bất hợp pháp cho Zara và Mango.

Bị ném đi như mảnh vải

Trong khi đó, tất cả các thương hiệu trên đều cho biết họ giám sát rất cẩn thận các nguồn cung cấp sản phẩm của mình và không chấp nhận việc bóc lột sức lao động của những đứa trẻ tị nạn.

Marks&Spencer cho biết các cuộc thanh tra của công ty này không phát hiện bất kỳ người tị nạn Syria nào đang làm việc trong chuỗi cung ứng của công ty tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên chương trình Paranoma lại tìm thấy 7 người Syria đang làm việc tại một trong những xưởng may chính của tập đoàn bán lẻ Anh quốc này.

Thông thường những người tị nạn được trả chưa đến 1 bảng Anh/ một giờ lao động, dưới cả mức lương trung bình tại Thổ Nhĩ Kỳ. Họ thường được thuê và trả tiền mặt thông qua bên trung gian.

Một trong những người tị nạn nói với Panorama rằng mọi người bị đối xử tệ tại xưởng may. "Nếu có chuyện gì xảy ra với một người Syria, họ sẽ ném người đó đi như ném một mảnh vải" - người tị nạn trên nói.

Công nhân trẻ tuổi nhất tại xưởng may là một thiếu niên 15 tuổi. Cậu phải làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày tại khâu ủi quần áo.

Nhiều thương hiệu quần áo nổi tiếng trên thế giới có xưởng may tại Thổ Nhĩ Kỳ vì quốc gia này gần với châu Âu và thường dùng để đối phó với các đơn hàng đặt vào giờ chót.

Điều này cho phép các nhà bán lẻ có các thiết kế mới trên kệ nhanh hơn so với các xưởng may ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ lại đang là nơi thách thức các doanh nghiệp khi ngày càng có nhiều mối quan ngại về việc bóc lột công nhân sau khi có hơn 3 triệu người tị nạn từ Syria chạy sang nước này.

Hầu hết những người tị nạn đều không có giấy phép làm việc và nhiều người trong số này đang làm việc bất hợp pháp trong ngành may mặc.

Phóng viên của Panorama cho biết có đến hàng chục công nhân Syria cảm thấy họ đang bị bóc lột. "Họ nói về những đồng lương còm cõi và điều kiện làm việc kinh khủng. Họ biết họ đang bị bóc lột nhưng họ cũng thừa nhận rằng họ không thể làm gì để cải thiện nó" - phóng viên Darragh Maclntyre giải thích.

Phản hồi từ các nhãn hàng thời trang

Một phát ngôn viên của Marks&Spencer cho biết phát hiện của chương trình của đài BBC là "cực kỳ nghiêm trọng" và "không thể chấp nhận được đối với M&S".

"Chúng tôi sẽ không bỏ qua những vi phạm về quy định như thế này và chúng tôi sẽ làm hết sức để đảm bảo điều này không lặp lại lần nào nữa" - phát ngôn viên trên cho biết.

Tuy nhiên nhiều người đã chỉ trích M&S khi cho rằng tập đoàn bán lẻ này đã không thực hiện đủ nghĩa vụ để ngăn chặn vấn nạn này.

Trong một công xưởng tại Istanbul, chương trình cũng phát hiện nhiều trẻ em Syria đang lao động vất vả như người lớn cho thương hiệu quần áo của Asos.

Asos thừa nhận xưởng may trên có nhận may quần áo của công ty này nhưng cho biết đó không phải là xưởng may chính thức. Công ty sau đó đã cho thanh tra và phát hiện 11 người Syria trưởng thành và 3 trẻ em Syria dưới 16 tuổi làm việc tại đây.

Asos cho biết họ sẽ hỗ trợ tài chính để những đứa trẻ có thể quay lại trường học và trả lương cho những người lớn đang làm việc tại xưởng may trên cho đến khi họ tìm được công việc hợp pháp.

Cuộc điều tra cũng cho thấy có những người tị nạn Syria làm việc 12 giờ mỗi ngày tại một xưởng may quần jean cho Mango và Zara. Công việc của họ liên quan đến hóa chất độc hại trong khâu tẩy trắng vải jean nhưng hầu hết các công nhân đều không có mặt nạ chống độc.

Nhiều công nhân là người tị nạn Syria phải làm việc với hóa chất độc hại mà không có đồ bảo hộ - Ảnh: BBC
Nhiều công nhân là người tị nạn Syria phải làm việc với hóa chất độc hại mà không có đồ bảo hộ - Ảnh: BBC

Mango cho biết xưởng may hoạt động thông qua một nhà thầu trung gian và Mango không biết về sự hiện diện của xưởng may này. Một cuộc thanh tra của Mango tại xưởng không phát hiện bất kỳ công nhân người Syria nào và điều kiện làm việc tại xưởng rất tốt.

Trong khi đó công ty mẹ của Zara là Inditex cho biết các giám sát viên đang làm việc tại nhà máy trong cuộc điều tra của Panorama và sẽ cố gắng để cải thiện tình hình.

Công nhân tại xưởng may cầm các nhãn hàng của M&S trên tay - Ảnh: BBC
Công nhân tại xưởng may cầm các nhãn hàng của M&S trên tay - Ảnh: BBC
ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên