Công nương Diana - Ảnh: FOX NEWS
Hôm 21-7, tổng giám đốc BBC, ông Tim Davie, đã cam kết dừng phát sóng cuộc phỏng vấn của Công nương Diana trên các trang mạng, đồng thời kêu gọi các cơ quan truyền thông có hành động tương tự.
Ông Davie cho biết: "Cách thức thực hiện phỏng vấn gây sốc và thiếu minh bạch của nhà báo Martin Bashir là nguyên nhân dẫn đến quyết định ngừng phát sóng cuộc phỏng vấn của Công nương Diana".
Trên thực tế, ông Martin Bashir được cho là đã lừa dối Công nương Diana để thực hiện cuộc phỏng vấn, vốn được xem là nguyên nhân dẫn đến các chuỗi sự kiện đau thương cho vương phi Xứ Wales và kết thúc bằng cái chết của bà.
Để có được buổi phỏng vấn với Diana, ông Bashir đã tìm cách tiếp cận với bá tước Charles Spencer, em trai Công nương Diana, đánh lừa ông thông qua việc nói dối rằng các thành viên hoàng gia có ý đồ chống lại Công nương Diana, Fox News thông tin.
Chính điều này đã giúp ông Bashir có được cuộc phỏng vấn với Công nương Diana, khai thác những thông tin gây sốc cho cả thế giới khi đó, bao gồm việc Thái tử Charles (chồng cũ của Diana) ngoại tình với tình cũ - bà Camilla Parker-Bowles, thông tin Công nương Xứ Wales phải lòng một người khác cũng được Bashir khai thác.
Từ đây, một chuỗi sự kiện đau thương đến với Công nương Diana, khi một năm sau đó, bà và Thái tử Charles ly hôn. Bà cũng đã bị cánh báo chí săn đón, gây áp lực với tần suất dày đặc và một trong số các cuộc săn đuổi ấy đã khiến bà bỏ mạng vào ngày 31-8-1997.
Con trai lớn của Công nương Diana, Hoàng tử William, cũng cho rằng ông Bashir đã "gian dối" để đạt được cuộc phỏng vấn này. Hoàng tử đồng thời chỉ trích sai lầm của BBC khi đã để cuộc phỏng vấn được diễn ra và dẫn đến cảm giác bị cô lập của Công nương Diana.
Về phía ông Bashir, nhà báo này vẫn một mực phủ định mình là người gián tiếp gây ra các sự kiện đau lòng cho công nương. Ông Bashir cho biết ông không bao giờ muốn làm hại Công nương Diana theo bất kỳ cách nào.
Sau 25 năm kể từ ngày Công nương Diana qua đời, nhiều người trên thế giới vẫn tiếc thương và đau buồn cho số phận của bông hồng nước Anh.
Bà được người dân yêu quý gọi bằng cái tên "Công nương của nhân dân" vì những hoạt động hỗ trợ công cộng trên khắp thế giới.
Trong đó có các hoạt động giúp đỡ và gặp trực tiếp những người khó khăn tại các khu vực chiến tranh như Angola, Bosnia, Herzegovina dẫu rất nguy hiểm.
Công nương cũng là người tiên phong trong việc tiếp xúc với những người mắc phải căn bệnh thế kỷ, căn bệnh mà đa số mọi người rất sợ phải tiếp xúc với người bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận