Các nhà khoa học cảnh báo dải băng lớn nhất thế giới đang dần tan chảy - Ảnh: NATURE
Dải băng tại phía đông của Nam Cực, lớn bằng diện tích nước Mỹ, từng được dự đoán là ít bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu hơn các dải băng ở Greenland hay Tây Nam Cực - nơi một số sông băng bị tan chảy nhanh chóng khi bị các dòng hải lưu ấm nóng tác động đến.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nghiên cứu mới đã cho kết quả ngược lại.
Trong nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Nature, nhóm các nhà nghiên cứu từ Úc, Anh, Pháp và Mỹ đã phát hiện ra rằng nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thấp hơn mức giới hạn do Hiệp định khí hậu Paris 2015 đặt ra (cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp), dải băng này tan chảy sẽ khiến mực nước biển dâng lên gần nửa mét vào năm 2500.
Song nếu nhiệt độ tăng cao hơn mức nêu trên, dải băng tan nhanh sẽ khiến mực nước biển có khả năng tăng thêm 5 mét.
Băng tan sẽ khiến mực nước biển dâng cao - Ảnh: NATURE
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, dựa trên bằng chứng từ trầm tích đáy biển xung quanh phía đông Nam Cực, một phần của dải băng đã tan chảy và góp phần làm mực nước biển tăng lên vài mét trong kỷ Pliocen, khoảng 3 triệu năm trước, khi biên độ nhiệt cao hơn bây giờ khoảng 2 đến 4 độ C.
Khoảng 400.000 năm trước đã có các bằng chứng cho thấy một phần của dải băng đã lùi vào đất liền hơn 400 dặm, vào thời điểm biên độ nhiệt ấm hơn hiện tại từ 1 đến 2 độ C.
"Một bài học quan trọng từ lịch sử là dải băng Đông Nam Cực rất nhạy cảm với các hiện tượng ấm lên của Trái đất. Nó không ổn định như chúng ta từng nghĩ", nhà nghiên cứu Nerilie Abram nói.
Ông Chris Stokes - giáo sư địa lý tại Đại học Durham của Anh và là tác giả chính của nghiên cứu - dẫn chứng các quan sát vệ tinh cho thấy dải băng đang mỏng dần, đặc biệt là những nơi có tiếp xúc với các dòng hải lưu ấm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận