Bị cáo Đào Ngọc Viễn khai ra đầu thú chứ không bị bắt tạm giam như cáo trạng truy tố - Ảnh: A LỘC
Chiều 31-10, hội đồng xét xử tiếp tục làm rõ vai trò của các bị cáo cầm đầu vụ nhập xăng từ Singapore, cung cấp cho bị cáo Nguyễn Hữu Tứ tiêu thụ xăng lậu vào Việt Nam gồm Đào Ngọc Viễn - chủ tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea và các thuyền trưởng.
Khi luật sư hỏi về việc trong hồ sơ vụ án có biên bản bắt bị can ở phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân (Hà Nội) để tạm giam, bị cáo Viễn nói: "Bị cáo ra đầu thú, sao lại nói bắt tạm giam? Từ lúc đầu thú ngày 8-7 cho đến lúc ra máy bay đưa về Đồng Nai không bao giờ bị cáo ra đến phường, mà chỉ ngồi trong phòng ở Cục Cảnh sát hình sự thôi".
Tại tòa, nhiều lần bị cáo Đào Ngọc Viễn khẳng định hoàn toàn không có chuyện bị bắt tại công ty hay có mặt tại công an phường, mà bị cáo tự nguyện đến trình diện.
Theo bị cáo Viễn, tối 8-7-2021, ông Nguyễn Đình Lập - một người quen Viễn - dẫn Viễn đến gặp Thiếu tướng Vũ Hồng Văn (khi đó là giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai) ở một quán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt, TP Hà Nội để đầu thú.
"Tại đây, Thiếu tướng Văn nói rất hoan nghênh, khuyến khích bị cáo ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Sau đó, Thiếu tướng Văn điện thoại cho một người tên Hưng là cán bộ Cục Cảnh sát hình sự yêu cầu đưa bị cáo về Cục Cảnh sát hình sự kèm lời dặn làm biên bản đầu thú" - bị cáo Viễn khai trước tòa.
Bị cáo Trần Văn Việt - thuyền trưởng tàu Pacific Ocean, khai tại phiên tòa - Ảnh: H.MI
Theo bị cáo Viễn, khi về đến Cục Cảnh sát hình sự, ông Hưng dẫn Viễn vào gặp điều tra viên của Công an tỉnh Đồng Nai và Hưng có bảo làm cho Viễn biên bản đầu thú, rồi ông Hưng đi ra ngoài. Ngày 10-7-2021, Viễn được di lý về Đồng Nai.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Viễn cho rằng có tình tiết mới trong việc "đầu thú" và "bị bắt tạm giam" nên tòa cần mời Thiếu tướng Vũ Hồng Văn và ông Nguyễn Đình Lập (kêu gọi Viễn ra trình diện) để làm rõ việc Viễn có ra đầu thú.
Còn Viễn nói: "Nói bắt ở phường là hoàn toàn sai. Bị cáo ra trình diện, đầu thú để giảm nhẹ hình phạt nhưng khi cáo trạng truy tố thì ghi bắt tạm giam nên mong được xem xét cho bị cáo". Trước ý kiến của bị cáo Viễn, đại diện hội đồng xét xử cho rằng các tình tiết bị cáo Viễn nêu ra "sẽ được xem xét".
Tiếp đó, hội đồng xét xử tiếp tục hỏi các bị cáo là thuyền trưởng tàu Pacific Ocean để làm rõ việc chở xăng nhập lậu từ Singapore do ai can thiệp, chỉ đạo.
Bị cáo Trần Văn Việt - thuyền trưởng tàu Pacific Ocean - khai: "Khi bị bắt và nghe điều tra viên nói nhập xăng lậu thì bị cáo mới biết hành vi buôn lậu".
Nhận thấy một số bị cáo thay đổi lời khai, vị đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai giữ quyền công tố tại tòa đã công bố một số bút lục thể hiện lời khai của bị cáo Việt "thấy không niêm phong, không bấm chì số xăng trên tàu thì đã biết là xăng lậu ngay chuyến đầu tiên…". Viện KSND tỉnh Đồng Nai cho rằng, lời khai của các bị cáo tại tòa sẽ là tình tiết xem xét khi lượng hình…
Theo cáo trạng, Hữu cùng đồng phạm buôn lậu hơn 197 triệu lít xăng về Việt Nam, thu lợi bất chính hơn 156,2 tỉ đồng, Viễn thu lợi hơn 46,7 tỉ đồng.
Trong ngày 31-10, phiên tòa sơ thẩm xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu xăng dầu liên tỉnh (giai đoạn 1 chuyên án 920G) về tội "buôn lậu" và "nhận hối lộ" tập trung làm rõ về vốn góp, số lượng xăng nhập lậu và số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam giữa nhóm bị cáo Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận