Bị cáo Phan Thành Mai tại tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Ngày 23-1, phiên xét xử vụ đại án thất thoát hơn 6.100 tỷ đồng tại ngân hàng VNCB vẫn tiếp tục với phần trình bày bài bào chữa của các luật sư dành cho các bị cáo.
Trong vụ án này, có hàng loạt bị cáo nguyên là lãnh đạo cấp cao của VNCB phải hầu tòa như Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT), Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc), Mai Hữu Khương (giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn)….
Bị cáo Phan Thành Mai bị viện kiểm sát cáo buộc đã giúp Phạm Công Danh chiếm đoạt của VNCB hơn 6.000 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Mai thừa nhận mọi hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, bị cáo xin HĐXX xem xét hoàn cảnh, động cơ phạm tội vì mục đích "cứu VNCB" chứ không hưởng lợi hay chiếm đoạt tiền.
Bào chữa cho bị cáo Mai, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết trước khi về VNCB, Mai đã là tổng thư ký hiệp hội bất động sản Việt Nam, thành viên tổ Nghiên cứu Quỹ tiết kiệm Nhà ở thuộc Ban chỉ đạo TW về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
Bào chữa cho bị cáo Mai, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng bị cáo không vụ lợi, chỉ vì cố cứu ngân hàng đang bị sa lầy mà bị cáo đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ. Nhưng trong số những giải pháp đó có cái đúng nhưng cũng có sai.
"Một bước lên hương, nửa đường tù tội. Câu này rất đúng với trường hợp Phan Thành Mai. Vì lựa chọn lối đi sai lầm, Mai đã vướng vòng lao lý. Trong một gia đình có truyền thống tri thức hiếu học, nếu vẫn theo đuổi con đường trước khi đến với ngành ngân hàng, biết đâu bây giờ Phan Thành Mai đã khác…"- Luật sư Thanh nói trước tòa.
Trong cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vụ án, VNCB bị kết luận đã thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng.
Bị cáo buộc là vai trò là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh, Phan Thành Mai đã bị kết án 22 năm tù ở giai đoạn 1.
Trong giai đoạn 2 này, bị cáo Mai bị đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt từ 13-15 năm tù.
Cũng như Phan Thành Mai, bị cáo Phạm Công Danh trước khi mua lại ngân hàng VNCB cũng là một doanh nhân thành đạt với khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng.
Phạm Công Danh ôm mộng kiếm được tiền từ kinh doanh tài chính. Chính vì vậy, khi mua ngân hàng Đại Tín từ đại gia Hứa Thị Phấn, Danh liền tiến hành tái cơ cấu ngân hàng và đổi tên Đại Tín thành VNCB.
Tuy nhiên, VNCB dưới thời Phạm Công Danh đã làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu trầm trọng. Cuối cùng, ông chủ ngân hàng vướng vòng tù tội, VNCB thì bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Trước tòa, các luật sư của bị cáo Danh, bị cáo Mai đều nói rằng nếu không dính vào ngân hàng, có lẽ các bị cáo không có ngày hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận