01/10/2017 15:18 GMT+7

Đại án OceanBank bộc lộ bất cập điều hành vĩ mô

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, không ít ý kiến cho rằng không phải chỉ OceanBank huy động tiền với lãi suất cao ngoài quy định, trên thực tế có cả một cuộc đua lãi suất nhưng không được cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời...

Đại án OceanBank bộc lộ bất cập điều hành vĩ mô - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị dẫn giải lên xe chuyên dụng sau phiên tòa ngày 29-9 - Ảnh: N.KHÁNH

* Ngân hàng Nhà nước giám sát chưa kịp thời - TS Đinh Thế Hưng (trưởng phòng pháp luật hình sự Viện Nhà nước và pháp luật, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Tôi nghĩ khi xử lý vụ án kinh tế không chỉ bắt tội phạm đi tù mà cần tìm ra nguyên nhân của tội phạm kinh tế cũng như các vấn đề về thể chế. Trong vụ án này có vấn đề bất cập trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Có thời gian dài chúng ta chạy theo tăng trưởng nên bơm tiền vào ngân hàng (NH). NH ở Việt Nam ngoài việc thực hiện chính sách tiền tệ còn phải gánh nhiệm vụ đảm bảo sự tăng trưởng. Số lượng các NH quá nhiều so với quy mô của nền kinh tế. 

Để tồn tại, các NH buộc phải lao vào cuộc chạy đua lãi suất. Từ đó, chiêu bài "huy động tiền gửi với lãi suất cao" được các NH tung ra. Nhiều NH phải lách luật bằng cách trả lãi suất ngoài trái quy định. 

Lượng tiền bơm vào nền kinh tế không được "nắn" để chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà chảy vào các lĩnh vực "ảo" như chứng khoán, bất động sản, thậm chí tiền từ NH này chảy vào NH kia, chạy "lòng vòng" từ nơi nọ đến nơi kia.

Trong tình hình như vậy, sự giám sát cũng như thanh tra của NH Nhà nước lại chưa kịp thời. Việc chi lãi ngoài diễn ra trong một thời gian dài nhưng các NH không bị xử lý. Cho đến khi thấy các NH chi lãi suất tràn lan, thống đốc NH Nhà nước mới ban hành thông tư 02 quy định lãi suất huy động không được vượt quá 14%/năm. 

Việc đi vay hay cho vay tiền đều là dài hạn, một quy định quá đột ngột như chiếc phanh quá gấp khiến các NH gặp khó khăn khi áp dụng.

TS Đinh Thế Hưng

* Cần nhìn nhận tổng thể cả bức tranh - ông Trần Trọng Liên (nguyên thẩm phán tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội)

Trong vụ án này, tòa cho các bị cáo và người liên quan thực hiện quyền tố tụng của mình rất tốt. Nhưng tôi thấy hành vi của các bị cáo chưa được phân hóa theo tình tiết giảm nhẹ của Bộ luật hình sự. 

Chẳng hạn như bị cáo Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Văn Hoàn với vai trò là tổng giám đốc và phó tổng giám đốc OceanBank, họ hưởng lương theo bậc, không hưởng lợi gì nhưng vẫn bị tuyên mỗi người 20 năm tù.

Như chúng ta biết, hoạt động của NH là đi vay và cho vay. Trong môi trường cạnh tranh, muốn vay được thì họ phải trả lãi cao hơn so với quy định của NH Nhà nước. Cho nên muốn có lợi nhuận thì khi cho vay, họ phải tìm cách thu thêm các khoản phí trái quy định. 

Khi thực hiện việc đó, các bị cáo bị kết án về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Xử lý như vậy là cắt khúc một phần nhỏ, chưa nhìn nhận tổng thể cả bức tranh để có những giải pháp phù hợp.

Ông Trần Trọng Liên

* Còn nhiều vấn đề đặt ra cho phiên phúc thẩm - LS Nguyễn Hoàng Trung (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Đại án OceanBank sẽ còn nhiều vấn đề đặt ra cho phiên phúc thẩm sắp tới nếu có kháng cáo, kháng nghị. Ngoài mức án tuyên cho các bị cáo, tòa còn tuyên về trách nhiệm dân sự. Theo đó, ba bị cáo đầu vụ sẽ phải bồi thường số tiền hơn 1.500 tỉ đồng thất thoát cho OceanBank.

Với số tiền 49 tỉ đồng Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc OceanBank) tham ô, hội đồng xét xử buộc Sơn bồi thường số tiền này cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Dù tại tòa, Sơn khai đưa cho ông Ninh Văn Quỳnh (nguyên phó tổng giám đốc PVN) và ông Quỳnh khai nhận 20 tỉ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn. 

Vụ án ông Quỳnh đang được điều tra, sau này ông Quỳnh sẽ phải bồi thường lại số tiền chiếm đoạt. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng một thất thoát mà hai lần phải bồi thường.

Theo tôi, có những vấn đề tòa ra phán quyết ngay giai đoạn 1 là thiếu căn cứ. Ví dụ như số tiền chi lãi ngoài hơn 1.000 tỉ đồng, ba bị cáo đầu vụ phải bồi thường. Trong khi đó giai đoạn 2 của vụ án đang được điều tra, việc tìm ra đơn vị thành viên nào của PVN nhận lãi ngoài vẫn đang được tiến hành. 

Nếu không tìm ra những người nhận tiền, có thể các bị cáo mượn danh nghĩa chi lãi ngoài để chia chác với nhau. Nếu truy ra những người nhận tiền, họ phải bồi thường lại. Trong khi số tiền này đã tuyên cho các bị cáo ở giai đoạn 1 phải chịu trách nhiệm.

LS Nguyễn Hoàng Trung

Một bị cáo là nguyên giám đốc chi nhánh OceanBank:

Mức án hội đồng xét xử dành cho 34 bị cáo là nguyên giám đốc chi nhánh như chúng tôi là thấp hơn nhiều so với đề nghị của đại diện viện kiểm sát. Tất cả chúng tôi đều được hưởng án treo và không phải chịu trách nhiệm về phần dân sự.

Thế nhưng sau phiên tòa, nhiều bị cáo là nguyên giám đốc chi nhánh vẫn thất vọng với bản án.

Đặt trong bối cảnh giai đoạn 2009-2014, tất cả các NH đều phải chi lãi ngoài để tồn tại. Thời điểm đó, các giám đốc chi nhánh OceanBank đều động viên nhau cứ làm theo chỉ đạo của ông Hà Văn Thắm, tiền để chi lãi ngoài là của sếp gửi xuống nên chúng tôi không lo gì về kinh phí.

Đến khi vụ án xảy ra, chúng tôi được triệu tập đến cơ quan chức năng thì mới biết số tiền này được hạch toán vào khoản chi của NH chứ không phải tiền túi của ông chủ bỏ ra.

Chúng tôi đều là những người hiểu biết pháp luật. Mọi người đều nghĩ việc chi lãi ngoài là vi phạm hành chính theo quy định hiện hành. Khi đó chúng tôi nghĩ nếu bị chế tài hành chính thì sẽ sẵn sàng nhận.

Tuy nhiên, chúng tôi rất bất ngờ trước việc bị xử lý hình sự trong một đại án. Tôi mơ hồ cảm thấy pháp luật có khoảng trống nào đó.

51 bị cáo lãnh án trong đại án OceanBank Đại án Oceanbank: Tử hình Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân Hà Văn Thắm Đại án OceanBank: một nửa sự thật không phải sự thật!
TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên