11/03/2014 19:19 GMT+7

Đại án lừa đảo gần 1.000 tỉ đồng: vay dễ như chơi

TR.TÂN
TR.TÂN

TTO - Lợi dụng chính sách ưu đãi tín dụng cho mặt hàng nông sản xuất khẩu, các bị cáo đã thông đồng lập hàng trăm bộ hồ sơ vay vốn giả để lừa đảo, chiếm đoạt gần 1.000 tỉ đồng tại các ngân hàng.

Bs5uo2Tc.jpgPhóng to
Bị cáo Mai tại phiên tòa
DzlGpKUN.jpgPhóng to
Bị cáo Hùng tại phiên tòa
8gmjExU9.jpgPhóng to
Bị cáo Xuân tại phiên tòa
Lt4NDnJC.jpgPhóng to
Bị cáo Lộc tại phiên tòa

Chiều 11-3, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục phần xét hỏi trong vụ đại án lừa đảo gần 1.000 tỉ đồng tại ba ngân hàng là Ngân hàng Phát triển chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông (VDB Đắk Lắk - Đắk Nông), Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội, Sở giao dịch TP.HCM của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB, TP.HCM).

HĐXX đã lần lượt hỏi 13 bị cáo trong vụ án này về các hành vi phạm tội, ngoài bị cáo Vũ Việt Hùng (nguyên giám đốc VDB Đắk Lắk - Đắk Nông) không nhận ba tội danh bị truy tố, các bị cáo khác đã khai báo các hành vi phạm tội lừa đảo, đưa hối lộ, vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hồ sơ giả, vay tiền thật

Mở đầu phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Anh Loát xét hỏi bị cáo Cao Bạch Mai về cách thức vay tiền tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông. Bị cáo Mai khai: năm 2008, bị cáo đến làm việc với Vũ Việt Hùng đặt vấn đề vay vốn ưu đãi xuất khẩu hàng nông sản. Để có thể vay vốn thì hồ sơ vay vốn phải có các hợp đồng kinh doanh xuất khẩu nông sản với các đối tác nước ngoài nên Mai đã liên hệ với các đầu nậu tại Nam Ninh, Trung Quốc để làm giả các hợp đồng này. Mai ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), liên hệ với một số công ty Trung Quốc để mua các tờ giấy A4 đã ký tên, đóng dấu pháp nhân các công ty tại Trung Quốc. Có những tờ giấy này, Mai viết nội dung hợp đồng vào và đem nộp cho VDB Đắk Lắk - Đắk Nông để vay vốn. Sau khi hết các tờ giấy A4 ký khống, Mai liên hệ với Nguyễn Thị Kim Loan, 54 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH dịch vụ xuất nhập khẩu Phát Long, liên hệ và đưa cho Từ Ngọc Hùng 100 triệu đồng để thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu Quan Heng (Nam Ninh, Trung Quốc).

Sau khi thành lập công ty để lấy tư cách pháp nhân, Mai đã làm giả hàng trăm hợp đồng kinh tế xuất khẩu. Mai khai nhận trong khoảng thời gian gần ba năm (10-2008 đến 7-2010) Mai đã dùng 70 hợp đồng kinh tế giả này để vay của VDB Đắk Lắk - Đắk Nông 1.005 tỉ đồng.

Tương tự, bị cáo Trần Thị Xuân (50 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nhật Tân) đã nhờ Mai làm giả 65 bộ hợp đồng kinh tế xuất khẩu để vay khoảng 938,5 tỉ đồng tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông. Đến khi bị bắt, Mai đã chiếm đoạt hơn 155 tỉ đồng và Xuân chiếm đoạt hơn 202 tỉ đồng từ VDB Đắk Lắk - Đắk Nông.

Tại phiên tòa, Cao Bạch Mai cũng khai nhận khi bị VDB yêu cầu hoàn tất các thủ tục chứng từ xuất khẩu và tờ khai hải quan, Mai đã liên hệ với Loan tìm cách mua chứng từ xuất khẩu và tờ khai hải quan giả để hoàn tất thủ tục tất toán tại ngân hàng. Mai khai nhận mỗi tờ chứng từ xuất khẩu Mai mua với giá 20 triệu đồng, mỗi tờ khai hải quan là 100 triệu đồng. Cho đến khi bị bắt, Cao Bạch Mai đã mua, sử dụng 13 tờ khai hải quan với tổng số tiền 1,165 tỉ đồng (hai tờ không phải trả tiền).

Tương tự, bị cáo Trần Thị Xuân khai nhận bị cáo không am hiểu các thù tục xuất khẩu nên mọi việc đều thông qua Mai từ việc thành lập công ty, đi mua hợp đồng kinh tế giả, tờ khai hải quan và chứng từ xuất khẩu. Xuân khai đã mua tổng cộng 55 tờ hợp đồng kinh tế xuất khẩu từ Mai với giá 20 triệu đồng/tờ (tổng 1,1 tỉ đồng), Xuân cũng mua tổng cộng 22 tờ khai hải quan với giá 105 triệu đồng/tờ (hơn 2,3 tỉ đồng).

Về phần mình, bị cáo Loan khai nhận lời nhờ cậy của Mai, bị cáo đã liên hệ với các đầu mối để liên hệ mua các tờ giấy làm hồ sơ giả. Mua xong Loan chuyển cho Mai, Xuân và hưởng hơn 100 triệu đồng, không hề biết các bị cáo sử dụng giấy tờ đó làm gì…

Càng lỗ, càng vay

Bị cáo Mai khai do sản xuất, kinh doanh khó khăn nên tìm mọi cách để tìm nguồn vốn. Khi các khoản vay của VDB Đắk Lắk - Đắk Nông dần mất khả năng thanh toán vì liên tiếp thua lỗ, bị cáo Mai lại bằng mọi cách để vay thêm nhằm bù đắp các khoản thua lỗ trước đó, tuy nhiên càng vay càng lỗ. Càng lỗ càng dùng nhiều thủ đoạn để được vay tiền. Một trong những cách thức để dễ dàng vay tiền đó là hối lộ, lại quả vị giám đốc VDB Đắk Lắk - Đắk Nông. Mai và Xuân khai sau mỗi hợp đồng vay vốn, hai bị cáo đều phải “lại quả” cho Vũ Việt Hùng 3-5% (khoảng 117 tỉ đồng). Mai và Xuân đã cùng góp vốn để mua chiếc xe BMW - X6 trị giá 3,2 tỉ đồng và giao cho bị cáo Vũ Việt Hùng. Ngoài ra, Mai còn biếu Hùng 1 nhẫn kim cương trị giá 25.000 USD và 100.000 USD tiền mặt. Mai khai việc chi trả hoa hồng 3-5% sau mỗi hợp đồng vay vốn là “quy định ngầm” giữa các bị cáo với Vũ Việt Hùng. Ngoài ra, khi việc kinh doanh gặp khó khăn, Mai và Xuân đã tiếp tục cùng nhau hối lộ cho Hùng tiền, xe để được tạo điều kiện trong việc cho vay vốn.

Bị cáo Trần Xuân Lộc, nguyên trưởng phòng tín dụng xuất khẩu VDB Đắk Lắk - Đắk Nông, khai: cuối năm 2008, khi thẩm định hồ sơ vay vốn công ty của Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân, Lộc đã phê vào hồ sơ không đồng ý cho vay vì hai doanh nghiệp này năng lực tài chính yếu, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tuy nhiên sau khi chuyển hồ sơ lên giám đốc thì Vũ Việt Hùng yêu cầu Lộc thẩm định lại và cho rằng hai doanh nghiệp này có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh nên phải tạo điều kiện cho vay. Bị cáo Lộc cho biết theo quy định cán bộ, trưởng phòng tín dụng chỉ được phê vào hồ sơ của khách hàng là đồng ý hoặc không đồng ý cho vay, trình giám đốc. Tuy nhiên trước sức ép của Vũ Việt Hùng, Lộc đã phê vào hồ sơ vay của Mai và Xuân “trình giám đốc xem xét, giải quyết”.

Về các vấn đề bị cáo Lộc, Mai, Xuân khai tại tòa, Vũ Việt Hùng phủ nhận toàn bộ và cho rằng mình bị oan khi bị truy tố ba tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhận hối lộ. Hùng cho rằng mình phê duyệt các khoản cho vay đều đúng các quy định của pháp luật, của ngành và quy chế của chi nhánh. Về chiếc xe BMW - X6 Hùng cho rằng mình chỉ “mượn” của bị cáo Mai và Xuân chứ không phải nhận hối lộ. Chủ tọa phiên tòa cho biết tiếp nhận lời khai ban đầu của bị cáo Hùng và sẽ công bố các chứng cứ buộc tội trong phiên xét xử tiếp theo.

Ngày mai HĐXX sẽ tiếp tục xét hỏi các bị cáo còn lại và bắt đầu bước vào phần tranh luận. Cho đến thời điểm này đã có gần 20 luật sư tham gia bào chữa và gần 30 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Cáo trạng 13 bị cáo

Các bị cáo đã bị Viện KSND tỉnh Đắk Nông truy tố về các hành vi phạm tội như sau: Bị cáo Vũ Việt Hùng bị truy tố ba tội danh là nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hai bị cáo Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân bị truy tố hai tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ. Bốn bị cáo Nguyễn Thị Vân (nguyên chủ nhiệm Hợp tác xã Sông Cầu), Nguyễn Thị Kim Loan (54 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH DV xuất nhập khẩu Phát Long - TP.HCM), Đặng Thị Kim Ngân (nguyên giám đốc Công ty TNHH Thủy Ngân và Nguyễn Văn Khánh (58 tuổi, ở TP Vị Thanh, Hậu Giang) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo còn lại là Tạ Thị Xuân Ý (35 tuổi, nguyên phó bộ phận quan hệ khách hàng Sở giao dịch TP.HCM của OCB), Võ Tiến Đạt (44 tuổi, nguyên giám đốc Sở giao dịch TP.HCM của OCB), Lâm Hữu Hạnh (63 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc OCB), Trần Xuân Lộc (58 tuổi, nguyên trưởng phòng tín dụng xuất khẩu của VDB khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông), Nguyễn Thị Hồng Liên (29 tuổi, cán bộ tín dụng VDB Đắk Lắk - Đắk Nông) và Trương Đình Hải (43 tuổi, nguyên giám đốc chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng Nam Á) bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

TR.TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên