Trưởng môn phái Võ kinh Vạn An - võ sư Trương Quang Kim - Ảnh: Đoàn Cường |
>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
Ngày nay, võ kinh còn lưu truyền rộng rãi trong dân mà điển hình là phái Võ kinh Vạn An.
Làng võ An Cựu xưa kia giờ đây đã là một đô thị nhộn nhịp của Huế. Trải qua trăm năm, phái võ Vạn An vẫn còn lưu truyền đến ngày nay và tách ra làm hai phái: Thiếu lâm Vạn An và Võ kinh Vạn An.
“Người Việt học võ Việt”
Ngay giữa võ đường Võ kinh Vạn An là đôi câu đối được lưu truyền từ thời cố võ sư Trương Thăng: “Vạn nhật công phu thành/An định quy đạo tâm”.
Theo võ sư chưởng môn Trương Quang Kim, từ các lão võ sư trước của môn phái đã giáo huấn thế hệ sau: “Điều thiện nhứt khoát phải làm. Điều ác nhứt khoát loại bỏ. Giúp người thế cô”.
Vì lẽ đó, quy môn của Võ kinh Vạn An đặt nền chữ “Đức” lên hàng đầu. Cố võ sư Trương Thăng cũng luôn nhắc nhở môn đồ: “Người Việt phải học võ Việt”. Những năm 1970 khi võ hiện đại tràn vào, cụ Thăng chính thức mở võ đường truyền bá võ Việt vì tính tự ái dân tộc.
Gia phả Võ kinh Vạn An phái ghi lại, đây là phái võ gia truyền từ thời nhà Nguyễn thuộc dòng võ kinh, hệ hắc hổ với nhiều cao thủ võ nghệ đã lưu truyền qua năm đời. Từ cố võ sư Trương Ngọc Giai lúc bấy giờ là chánh đội trưởng đội cẩm thị vệ hoàng cung thời vua Tự Đức.
Sau đó, người kế nhiệm là lão võ sư Trương Đồng - bút hiệu Diệu bút, người bảo vệ, thư ký cụ Phan Bội Châu.
Lão võ sư Trương Đồng đã mở lớp dạy võ thuật tại lăng Vạn Vạn cho 18 nghĩa sĩ kháng Pháp hồi năm 1945. Đến võ sư Trương Thăng cũng tiếp tục đưa võ kinh Vạn An vào việc kháng Pháp và nhân rộng môn võ này ra.
Võ sư Trương Thăng chính thức khai lập môn phái vào năm 1972, đặt tên Võ kinh Vạn An phái. Hiện người con trai trưởng là võ sư Trương Quang Kim đã kế tục nghiệp võ và là chưởng môn.
Võ sư Kim phân tích, nói là võ kinh bởi học võ từ kinh thư, kinh sách. Nói “võ kinh” chính là để phân biệt với “võ lâm”.
Học võ kinh là để thi thố trở thành nhân tài võ học của triều đình, còn học võ lâm là để vận võ áp tiêu, thượng đài trong dân gian. Là dòng võ quan nên ngày xưa, các bí kíp võ kinh Vạn An được giữ như bảo bối, chỉ truyền dạy trong nội bộ gia đình.
Võ sư Trương Quang Kim viện giải thêm triết tự của Võ kinh Vạn An là môn võ được dùng trong triều đình nhà Nguyễn để thi tiến sĩ võ.
Võ kinh có bộ đi theo tự, có thơ văn, người học võ phải song song với văn để thi trạng nguyên. Khi đỗ cử nhân võ không có văn thì chỉ làm ngang đội trưởng cẩm thị vệ.
Võ kinh Vạn An của Huế khác với nhiều môn phái cổ truyền Việt Nam cũng như võ Bình Định. Theo võ sư Kinh, võ Bình Định là nơi tụ nghĩa, tuyển quân chống nhà Thanh, vua Quang Trung cũng về đất Phú Xuân - Huế.
Đất Huế là kinh đô mà tất cả nhân tài võ thuật đều tập trung về đây tụ hội. Đến thời nhà Nguyễn khi bắt đầu tổ chức thi tiến sĩ võ thì võ trở nên bài bản hơn.
Trải qua thăng trầm trăm năm nhưng Võ kinh Vạn An vẫn giữ “bản sắc” riêng của võ phái. Đệ tử phải học kinh sách, vừa đánh quyền vừa đọc thơ - thiệu. Đọc thơ để luyện khí, điều hòa hơi thở, nội lực.
Võ kinh đòi hỏi khá khắt khe khi luyện tập: Trước hết phải luyện nhãn quan (nhất chỉ nhãn pháp công) để luyện đôi mắt tinh tường, có khí chất. Tiếp đến là tấn (người xưa gọi là cặp ngựa) vững chãi như bàn thạch. Kế đến là thủ pháp với hơn 40 bộ của đòn tay dùng để chưởng, đỡ, gạt...
Cước pháp - thập bát liên hoàn cước với đòn chân uy vũ, chính xác. Rồi đến thân pháp để né tránh đòn. Thứ nữa là quyền pháp, binh khí pháp và đối kháng, đấu luyện tự do.
“Với những đệ tử thông thường chỉ tập đến đây là đủ. Còn những bậc cao thủ hơn phải học thêm khí công, công phu” - võ sư Kim nhấn mạnh.
“Chương trình con nhà võ học phải là 12 năm. Những nguyên lý của võ kinh cũng khác các môn võ khác là đấm giật lui và đá nẻ tới. Nó như một cơn bão thổi qua không nguy hiểm nhưng giật lui mới ghê gớm. Đá nẻ như bắn một viên bi gây chấn thương tụ điểm sâu bên trong mà thọ bệnh” - võ sư Kim chia sẻ.
Các môn sinh của Võ kinh Vạn An biểu diễn màn dùng yết hầu uốn cong mũi giáo - Ảnh: Đoàn Cường |
Mở lối đi mới cho võ cổ truyền
Buổi trưa nắng rát cuối tháng 8, trước võ đường Võ kinh Vạn An nằm trên con đường cạnh đồi Thiên An, dẫn lên lăng Khải Định của Huế, nhiều chiếc xe du lịch dừng lại, rất đông khách nước ngoài xuống xe bước vào.
Bên trong, võ sư chưởng môn phái Trương Quang Kim ở cái tuổi 61 vẫn thoăn thoắt cùng các môn đồ chuẩn bị cho buổi biểu diễn võ thuật.
Tiếng trống dồn dập, tiếng chiêng thúc giục, bốn đệ tử của võ sư Kim kê một sấp gạch trên bệ để diễn màn công phá uy dũng khiến chồng gạch nát vụn.
Nhưng có lẽ chiêu dùng yết hầu bẻ cong mũi giáo, phía sau lưng để đá lên và lấy búa đập cũng không hề hấn chi của các môn đệ khiến nhiều khách du lịch trầm trồ thán phục. Nhiều tuyệt chiêu của võ phái được diễn trong sự hứng khởi của du khách.
Kết thúc buổi diễn, Peter (du khách Anh) cùng con trai cố ngồi nán lại mặc cho cái nắng oi ả thiêu đốt.
Peter tiến đến một đệ tử đang ngồi phe phẩy quạt giấy hỏi thăm chiếc quạt này là gì với con nhà võ. Như hiểu ý khách, đệ tử của võ sư Kim lanh lẹ thi triển chiêu thức Lôi phong phiến với 108 đường quạt.
Tiếng quạt khi gập xoẹt xoẹt, bung ra bùm bùm như súng, xé gió mà đi khiến người xem thảng thốt. “Tôi thích đưa võ cổ truyền thành điểm đến du lịch, bởi đó là cách tốt nhất để quảng bá võ học dân tộc và cũng là cách để giúp nó tự sống” - võ sư Kim nhìn nhận.
Bản thân võ sư Kim cũng là một cao thủ võ thuật không còn lạ của Huế. Từ năm 7 tuổi ông đã theo cha học võ dù lúc đó ông nói: “Bị cha ép phải học chứ không ham võ”. Ấy vậy mà võ kinh lại theo vị võ sư này như là nghiệp vốn dĩ của mình.
Đưa hai bàn tay rắn rỏi, gân guốc của mình, vị chưởng môn chia sẻ: “Ngày trước để luyện thành công phu thiết sa chưởng mỗi ngày tôi phải chưởng 4.000 cái xuống cái bao cát. Ròng rã 10 năm như vậy”.
Là một cao thủ là vậy nhưng thoạt nhìn ông khó ai đoán định đó là võ sư. Nếu ông không khoác lên mình bộ đồ nhà võ, hẳn họ nghĩ ông là một hướng dẫn viên du lịch cho du khách đến với võ cổ truyền của Huế.
Phải nói rằng đến đời thứ năm của võ phái do võ sư Kim chưởng môn thì võ phái này phát triển rực rỡ không chỉ ở trong nước với gần 2.000 võ sinh mà có hàng chục phân đường ở nước ngoài tại Pháp, Mỹ, Úc...
Giờ đây ngoài giờ dạy võ, võ sư Kim còn cưu mang trẻ mồ côi về truyền đạt võ thuật, tạo việc làm. Ông còn vận dụng võ kinh Vạn An bấm huyệt, châm cứu chữa bệnh cho người dân. Đây cũng là nghề gia truyền của dòng họ Trương làng võ An Cựu của Huế.
“Võ thuật chú trọng huyệt vị và khí công, chính từ đó tôi chú trọng và theo học y thuật từ võ thuật để chữa bệnh, trước hết để trị thương cho mình, sau là để cứu người”.
______________
Kỳ tới: Quê hương karatedo Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận