Phóng to |
"Càng đọc tin online, càng bồi hồi nhớ những cái tết được ở bên gia đình và thầm ước giá giờ này đang ở quê hương..." - Võ Văn Dũng, Nghiên cứu sinh ngành Đông Nam Á, ĐH Tổng hợp Passau (Đức) cho biết trong thư gửi về cho Tuổi Trẻ Online cận tết Quý Tỵ.
"Văng vẳng trong đầu tôi là lời bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Quê hương là gì hở mẹ?/ Mà cô giáo dạy phải yêu?/ Quê hương là gì hở mẹ?/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều”.
Một khi đi xa quê hương thì những câu hỏi cứ ngỡ như mình là trẻ nhỏ mới hỏi thì bỗng dưng hiển hiện trong trái tim của mọi người. Dù ở bất cứ nơi nào, trong thâm tâm ai cũng muốn về nhà những ngày tết, quây quần bên gia đình, chia sẻ những giây phút hạnh phúc, thiêng liêng khi chuyển giao năm cũ - năm mới.
Tết năm nay, bố mẹ tôi lại đón tết mà không có tôi, việc chuẩn bị nếp, đỗ, thịt, lá để gói bánh chắc là gặp nhiều khó khăn vì bệnh tật ngày càng nặng. Những hình ảnh đó làm tôi thương bố mẹ nhiều hơn.
Nhận được tin mẹ ốm nặng, đầu gối đau nhiều hơn và không thể đi lại được mà lòng tôi thêm tê tái. Hằng ngày, tôi quen với hình ảnh của mẹ vui vẻ cười nói, chăm lo từng miếng ăn cho cả gia đình. Đôi tay mẹ làm không ngơi nghỉ vì luôn muốn làm những điều tốt nhất cho con cháu.
Nhớ biết bao mỗi dịp tết về, được mẹ mua cho bộ quần áo mới, được thưởng thức những món mứt và thật nhiều bánh kẹo. Chỉ có dịp tết, chúng tôi mới có được cảm giác vui sướng và hân hoan đến vậy. Hồi hộp chờ đợi giây phút giao thừa để được thắp hương cho tổ tiên, cầu nguyện, viết lời khai bút. Thích nhất là nhận được tiền lì xì và những lời chúc học giỏi của bố mẹ và anh chị, sau đó thì reo hò vì được phá cỗ thịnh soạn, rồi cùng nhau đi lễ chùa đầu năm.
Năm nay là tết thứ hai tôi đón tết ở thành phố Passau của Đức - thành phố nhỏ xinh, uốn mình bên dòng sông Donau chứa chan những huyền thoại. Passau đang âm 2 độ, những cơn mưa nhẹ xen lẫn là tuyết trắng phủ kín bầu trời.
Đi giữa Passau những ngày này, những bước chân tha hương như vội vàng tránh cơn gió lạnh xen vào tâm hồn vốn dĩ dễ dàng khiến trái tim như héo lại vì nhớ thương quê nhà. Ở nước Đức xa xôi này, khái niệm tết chỉ tồn tại trong cộng đồng người Việt.
Tuy rất ít người, nhưng cúng tôi cũng kịp quây quần, góp sức chuẩn bị cái tết để cho chúng tôi và cả những đứa trẻ - thế hệ tương lai - nhớ về nguồn cội.
Một tháng trước, khi tôi sắp quay lại Đức, gia đình đã chuẩn bị cho tôi 300 chiếc lá dong, cùng những vật dụng trang trí ngày tết như hoa mai, hoa đào, những câu chúc mừng năm mới, bao lì xì…
Đó là những "đặc sản" rất khó tìm thấy ở thành phố Passau này. Lúc này, nơi quê nhà, bố mẹ mong tôi có một cái tết thật đầm ấm nơi đất khách quê người. Tôi tham gia vào những hoạt động của hội người Việt Nam ở Passau, được tận hưởng không khí rộn ràng, nói chuyện rôm rả, bận rộn lau lá dong, nào là làm nhân bánh,... để gói bánh chưng. Quây quần bên bếp lửa, trông nồi bánh chưng, giữa cái lạnh thấu xương, tôi vẫn thấy ấm cúng đến kỳ lạ.
Dù không được như ở nhà trong thời khắc tết thiêng liêng, nhưng tình cảm của cộng đồng người Việt ở đây đã và sẽ cho tôi thêm nhiều động lực để học tập và làm việc tốt. Đó là những người đã luôn giúp đỡ tôi, và giúp tôi thêm hiểu rằng, đã mang dòng máu Việt, khi đi xa thì ai cũng nhớ về cuội nguồn, nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Giây phút giao thừa đang đến gần, lòng tôi háo hức chờ đợi một năm mới. Mong rằng ở nơi quê nhà, bố được khỏe mạnh, mẹ hết đau chân, anh em, bạn bè làm ăn phát đạt, thành công trong cuộc sống, ai ai cũng an khang, thịnh vượng và có nhiều niềm vui"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận