Ông Graham Stuart (giữa) đạp xe cùng ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, vào sáng 7-4 - Ảnh: LÊ PHAN
Tôi thường đạp xe vòng quanh London. Cảm giác khi đạp xe ở TP.HCM rất khác, lôi cuốn hơn, đường sá thích hơn. Qua trải nghiệm này, tôi coi TP.HCM như TP dành để đạp xe.
Ông Graham Stuart
Ông Stuart đạp xe qua nhiều cung đường có các biểu tượng của TP.HCM như nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, tòa nhà UBND TP, chợ Bến Thành... Sau đó, đặc phái viên của thủ tướng Anh đi xe buýt điện dạo quanh thành phố.
Ông Stuart chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ về trải nghiệm phương tiện công cộng ở TP.HCM và các cơ hội hợp tác phát triển kinh tế xanh giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
* Ông cảm thấy thế nào sau khi đạp xe và đi xe buýt điện tại TP.HCM?
- Tôi đã trải nghiệm hai sáng kiến mới của thành phố. Một trong số đó là xe đạp công cộng. Ở thủ đô London cũng có xe đạp công cộng, chúng tôi hay gọi đó là "xe đạp Boris" vì hệ thống này ra đời khi Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson còn là thị trưởng London. Tôi thường đạp xe vài lần một tuần để đi từ nhà đến Quốc hội.
Tôi cũng được trải nghiệm xe buýt điện hoàn toàn mới của Tập đoàn Vingroup. Xe rất êm ái, được trang bị bảng thông tin điện tử và cả sạc điện thoại, rất hiện đại và sạch sẽ. Tôi có nghe người dân địa phương cũng phản hồi tích cực về sáng kiến đi xe đạp và xe buýt điện ở TP.HCM.
Một điểm bất tiện của xe đạp ở London là tôi phải dừng lại và lấy điện thoại ra khi muốn dùng. Trong khi ở đây các bạn có giá đỡ giúp thuận tiện dùng điện thoại để tìm đường. Điều đó thật đúng với truyền thống của Việt Nam là học hỏi từ những nơi khác và sau đó cải thiện thêm. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của tôi kể từ khi được bổ nhiệm làm đặc phái viên thương mại của thủ tướng Anh tại Việt Nam, Campuchia và Lào.
Tôi muốn thúc đẩy giao thương giữa hai nước để khuyến khích các doanh nghiệp Anh tìm hiểu và tham gia vào các cơ hội tại Việt Nam cũng như gắn kết với các doanh nghiệp tại Việt Nam, khuyến khích họ nhìn thấy cơ hội hợp tác hoặc thực sự xuất khẩu sang Anh.
Đi sâu hơn, ưu tiên trước nhất của tôi là các công nghệ xanh cho dù đó là giao thông vận tải, con người, các dự án điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, việc nâng cấp lưới điện Việt Nam hay các công nghệ khác.
* Chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị tác động mạnh bởi chiến sự kéo dài ở Ukraine và dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là tình hình bùng dịch ở Trung Quốc. Việt Nam và Anh có thể hợp tác như thế nào để bảo vệ tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng, thưa ông?
- Tôi nghĩ cả hai nước đã thể hiện khả năng thích ứng và linh hoạt, giúp đối phó với mọi thách thức trên toàn cầu. Chúng ta vững vàng hơn khi tạo ra các chuỗi cung ứng đa dạng và duy trì cam kết với thương mại quốc tế. Đó là cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh.
Thông điệp lớn hiện nay là đừng quá phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào. Việt Nam đang làm tốt điều này vì duy trì cách tiếp cận khôn ngoan là giữ sự trung lập và đảm bảo làm bạn với càng nhiều bên càng tốt.
Chúng tôi có thể là một đối tác tuyệt vời với Việt Nam trong việc phát triển các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Với việc đầu tư đúng mức vào lưới điện quốc gia và đưa ra các cơ chế khuyến khích đầu tư đúng đắn, Việt Nam có thể tiến nhanh để sản xuất năng lượng sạch và trở thành nước xuất khẩu ròng trong những năm tới.
Việt Nam và Vương quốc Anh có thể làm việc cùng nhau như những đối tác để đảm bảo an ninh nguồn cung, chi phí hợp lý và giảm phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác.
* Sự ra đời của chiến lược "Tăng trưởng sạch" (Clean Growth) sẽ tương thích như thế nào với chiến lược "Nước Anh toàn cầu" (Global Britain) tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?
- Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong chiến lược "Nước Anh toàn cầu". Vương quốc Anh xem Việt Nam - một đất nước với 100 triệu dân, có tốc độ tăng trưởng dự kiến là 6-7% mỗi năm - là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại và chính sách thương mại của chúng tôi.
Chúng tôi xác định việc dịch chuyển về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là phù hợp với chiến lược thương mại của Anh. Chiến lược của chúng tôi là tái cân bằng thương mại với các khu vực phát triển nhanh nhất của thế giới. Và có rất ít nơi trên thế giới phát triển nhanh như Việt Nam.
Do Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển, Vương quốc Anh có thể hợp tác với Việt Nam trong việc cải thiện luật pháp và các quy định nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài và thực hiện các cải cách cần thiết.
Chiến lược "Tăng trưởng sạch" phù hợp với chiến lược "Nước Anh toàn cầu". Đó là lý do chúng tôi rất hoan nghênh cam kết mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP 26 hồi cuối năm ngoái - đưa khí thải carbon về mức bằng 0 vào năm 2050.
Tôi thấy Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nhà sản xuất năng lượng sạch hiệu quả nhất trên thế giới. Điều đó sẽ rất tốt cho nền kinh tế trong nước, môi trường của địa phương và sẽ giúp tăng thêm lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.
Giúp TP.HCM phát triển lĩnh vực tài chính
Theo ông Graham Stuart, Việt Nam có một tinh thần khởi nghiệp to lớn. Hệ thống giáo dục của Việt Nam tạo ra những cá nhân làm chủ 120 công ty công nghệ tài chính trong nước. Do đó, Việt Nam và Vương quốc Anh có thể hợp tác và chia sẻ lợi ích chung ở mảng công nghệ tài chính.
"Vương quốc Anh là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về tài chính xuyên biên giới, trong khi Việt Nam có tham vọng phát triển TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính. Vì vậy, cuộc gặp của tôi với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thực sự mang tính xây dựng về khía cạnh đó. Tôi mong muốn chúng ta phát triển quan hệ đối tác chặt chẽ hơn để giúp Việt Nam và TP.HCM phát triển hơn trong lĩnh vực này" - ông Stuart cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận