04/09/2021 20:59 GMT+7

Đặc phái viên ASEAN muốn gặp bà Aung San Suu Kyi

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Đặc phái viên của ASEAN, ông Erywan Yusof, cho biết vẫn đang đàm phán với chính quyền quân sự Myanmar về chuyến đi tới nước này. Trong số các vấn đề nêu ra có yêu cầu gặp lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi.

Đặc phái viên ASEAN muốn gặp bà Aung San Suu Kyi - Ảnh 1.

Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar Erywan Yusof - Ảnh chụp màn hình Straits Times

"Đúng là chuyến đi đến Myanmar rất cấp bách, nhưng tôi cần có sự đảm bảo (từ quân đội Myanmar) trước. Tôi cần một bức tranh rõ ràng về những gì tôi phải làm, những gì họ cho phép tôi làm khi đến đó", ông Erywan Yusof nói với Hãng tin Reuters ngày 4-9.

Theo thống nhất giữa các nhà lãnh đạo ASEAN, một đặc phái viên của khối này sẽ đến Myanmar để hỗ trợ quá trình hòa giải giữa các bên và viện trợ nhân đạo. Hồi tháng trước, Ngoại trưởng thứ hai Brunei Erywan Yusof đã được chọn cho nhiệm vụ đặc biệt này.

Ông Erywan muốn đến Myanmar trước cuối tháng 10 này, thời điểm diễn ra cuộc họp của các nhà lãnh đạo ASEAN. Tuy nhiên, theo ông Erywan, ngày giờ cụ thể cho chuyến đi vẫn chưa được ấn định và đang trong quá trình đàm phán.

Một trong những vấn đề được nêu ra là việc tiếp cận bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước của chính phủ dân sự bị lật đổ vào ngày 1-2.

Theo ông Erywan, yêu cầu tiếp cận nhà lãnh đạo bị phế truất đã được chuyển tới chính phủ tạm quyền Myanmar do Thống tướng Min Aung Hlaing đứng đầu. Yêu cầu này có thể khó được đáp ứng, do không nằm trong 5 điểm mà lãnh đạo quân đội Myanmar đã đồng thuận với ASEAN hồi tháng 4.

Tuy nhiên, đặc phái viên Erywan lập luận trong 5 điểm đồng thuận, có 1 điểm nhắc đến việc chấm dứt bạo lực và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với "tất cả các bên".

"Đó là điều mà tôi đã nói với chính quyền hiện tại ở Myanmar. Tôi cần phải nói chuyện với tất cả các bên liên quan và điều đó vẫn đang được đàm phán", ông Erywan nói với Reuters. Ngoài vấn đề này, các vấn đề khác đang được đàm phán và tiến triển tốt.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Erywan tiết lộ đang tìm cách thành lập một nhóm cố vấn để hỗ trợ vai trò đặc phái viên. Nhóm này có thể bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ Ấn Độ và Bangladesh - những nước láng giềng Myanmar.

Cáo buộc Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2020, quân đội do Thống tướng Min Aung Hlaing dẫn dắt đã bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự ngày 1-2-2021.

Hồi tháng trước, chính quyền quân đội đã tuyên bố hủy bỏ kết quả bầu cử năm 2020 và tiến gần hơn đến việc giải tán đảng chính trị của bà Aung San Suu Kyi.

Nữ lãnh đạo bị phế truất vẫn đang bị quân đội giam giữ và đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng, vi phạm các quy định chống COVID-19.

5 điểm đồng thuận giữa lãnh đạo Myanmar và ASEAN gồm:

(i) các bên liên quan kiềm chế và ngừng bạo lực;

(ii) các bên tiến hành đối thoại, tìm giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân;

(iii) chỉ định đặc phái viên ASEAN hỗ trợ tiến trình hòa giải giữa các bên;

(iv) ASEAN sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho Myanmar;

(v) Đặc phái viên và phái đoàn ASEAN sẽ đến Myanmar, gặp các bên liên quan.

Đồng thuận 5 điểm về Myanmar khởi động bằng viện trợ nhân đạo Đồng thuận 5 điểm về Myanmar khởi động bằng viện trợ nhân đạo

TTO - Đợt hỗ trợ vắc xin, dược phẩm, thiết bị y tế đầu tiên của ASEAN sẽ tới Myanmar cuối tháng 8 này. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định đây là bước quan trọng trong thực hiện 'Đồng thuận 5 điểm về Myanmar'.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên