02/12/2015 08:56 GMT+7

​Đặc nhiệm Mỹ chống IS ở Iraq như thế nào?

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Lần đầu tiên kể từ khi Mỹ mở chiến dịch không kích chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) 16 tháng trước, Washington chính thức triển khai bộ binh tới Iraq.

Binh sĩ Mỹ hoạt động tại Iraq - Ảnh: AFP

Theo AFP, trong cuộc điều trần trước Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thừa nhận chiến dịch không kích chưa phá hủy đáng kể năng lực chiến đấu của IS. Do đó Lầu Năm Góc quyết định triển khai lực lượng đặc nhiệm tới Iraq.

Các nhóm đặc nhiệm bao gồm binh sĩ thuộc lực lượng SEAL của hải quân Mỹ sẽ “tổ chức các cuộc bố ráp, giải cứu con tin, thu thập thông tin tình báo, bắt giữ các thủ lĩnh IS” - ông Carter cho biết. Ngoài ra, đặc nhiệm Mỹ sẽ thực hiện cả các chiến dịch xuyên biên giới ở Syria.

Bộ trưởng Carter tiết lộ Tổng thống Barack Obama và tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, là những người ra quyết định triển khai đặc nhiệm tại Iraq. Ông chủ Lầu Năm Góc không tiết lộ sẽ điều bao nhiêu binh sĩ tới chiến trường Iraq.

Chưa rõ chiến thuật mới của Washington sẽ đem lại hiệu quả như thế nào trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên một số nhà phân tích cho biết những trận càn tương tự của lực lượng Mỹ tỏ ra không hiệu quả lớn trong các cuộc xung đột trước đây.

“Quân đội Mỹ đã thực hiện chiến lược bố ráp, càn quét ở nhiều quốc gia và kết quả là không đáng khích lệ. Dưới thời Tổng thống George W. Bush, hàng loạt trận càn không ngăn chặn được Taliban trỗi dậy hay hoạt động của các nhóm nổi dậy Iraq” - tạp chí Foreign Policy dẫn lời học giả Mark Moyar thuộc Tổ chức Foreign Policy Initiative.

Ông khẳng định chính quyền Tổng thống Obama cũng liên tục triển khai đặc nhiệm bố ráp ở chiến trường Afghanistan hơn một năm qua nhưng không thể cản được lực lượng Taliban chiếm nhiều vùng lãnh thổ tại nước này.

Dù vậy, các chuyên gia đánh giá các cuộc bố ráp ban đêm của đặc nhiệm Mỹ do Bộ Chỉ huy chiến dịch đặc biệt chung (JSOC) tổ chức tại Iraq đã làm tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Iraq chao đảo, tiêu diệt một số lượng lớn tay súng cực đoan và giúp lực lượng an ninh Iraq phục hồi.

Bộ trưởng Carter khẳng định sự hiện diện của đặc nhiệm Mỹ là cú đòn giáng vào tâm lý của khủng bố. “Bọn chúng sẽ hoang mang. Chúng sẽ lo sợ, không biết ban đêm ai có thể xâm nhập căn cứ của chúng qua cửa sổ” - ông Carter nhấn mạnh.

Trước đây, Tổng thống Obama từng cam kết sẽ không triển khai bộ binh ở Iraq và Syria để chống IS. Tuy nhiên thực tế là sự can thiệp quân sự của Mỹ đã leo thang đáng kể trong thời gian qua. Hồi cuối tháng 10, một nhóm binh sĩ thuộc Lực lượng Delta của bộ binh Mỹ bố ráp một nhà tù của IS ở miền bắc Iraq, giải cứu nhiều con tin.

Khi đó một đặc nhiệm Mỹ là Joshua Wheeler, 39 tuổi, đã thiệt mạng. Đó là binh sĩ Mỹ đầu tiên chết ở Iraq kể từ khi Mỹ chính thức rút quân khỏi chiến trường này hồi năm 2011. Hiện tại đã có khoảng 3.500 binh sĩ Mỹ hoạt động tại Iraq nhưng chỉ hỗ trợ đào tạo lực lượng an ninh Iraq.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ triển khai 50 binh sĩ thuộc Bộ Chỉ huy chiến dịch đặc biệt tới Syria trong vài tuần tới để hỗ trợ quân nổi dậy Ả Rập và người Kurd tổ chức các chiến dịch và xác định những mục tiêu IS cần diệt. Chắc chắn số lượng đặc nhiệm được đưa đến Iraq sẽ cao hơn 50.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên