Nghệ sĩ Lệ Thủy giữ được tên tuổi sau 60 năm ca hát. 11 tuổi tập tành vào phòng thu âm, 12 tuổi đi hát chuyên nghiệp, 15 tuổi gia nhập đoàn Kim Chung. Trở thành nghệ sĩ trẻ nhất nhận giải Thanh Tâm (giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực cải lương thời bấy giờ) năm 16 tuổi. Chặng đường hoạt động ca hát của bà bằng phẳng và yên bình. Nữ nghệ sĩ chỉ ngưng chạy show trong thời điểm sinh 3 con.
Những hình ảnh thời trẻ của bà lần đầu được công bố cùng báo giới trong giai đoạn hoàn thành hậu kỳ Hồi ký 60 năm ca hát do ca sĩ Dương Đình Trí thực hiện. Trong hình ảnh riêng dành cho độc giả Tuổi trẻ cười, chúng tôi giới thiệu khoảnh khắc nữ nghệ sĩ năm 15 tuổi. Thời điểm này, bà gia nhập đoàn cải lương Kim Chung.
Dù còn trẻ nhưng nhờ vào giọng hát thiên bẩm, bà vinh dự được thu dĩa chung cùng đàn anh, đàn chị thời đó như nghệ sĩ Thanh Hải, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Thanh Hoa, Ngọc Hương, Minh Cảnh... qua các tuồng: Quan Âm Thị Kính, Hoa Mộc Lan Tùng Chinh, Tấm Lòng Của Biển, Tình Anh Lính Chiến, Hai Chuyến Xe Hoa, Nắng Chiều Trên Sông Dịch, Một Trang Tình Sử, Tam Bang Lục Hoàng Hậu.
Ngoài ra hàng loạt bài ca cổ tạo nên tên tuổi bà như: Cha Về Cõi Phật, Nấu Bánh Đêm Xuân, Cô Hàng Chè Tươi, Em Bé Đánh Giày, Tâm Sự Em Bán Mía Ghim, Chàng Là Ai, Chiếc Nỏ Thần, Thứ Phi Phi Yến, Anh Nữ Truớc Pháp Truờng, Cô Gái Đồ Long, Bạch Thu Hà, Chúc Anh Đài, Hồng Lâu Mộng, Em Thương Người Nghệ Sĩ...
Vào thập niên 50 - 60, nghệ sĩ cải lương không đeo micro như bây giờ. Trong mỗi vở diễn, 4 hoặc 6 micro được treo trên cao. Bên trong hậu trường bố trí 2 người làm kỹ thuật kéo micro di chuyển trên sân khấu. Nghệ sĩ vừa hát, vừa di chuyển và chú ý đến vị trí micro để giọng hát ngân vang. Nghệ sĩ Lệ Thủy là một trong số những người đầu tiên có cơ hội sử dụng kỹ thuật sân khấu này. Với kỹ thuật này, yêu cầu người hát phải có chất giọng vang, ấm và chất lượng.
Hào quang, danh tiếng đến với nữ nghệ sĩ khi cô vừa tròn 16 tuổi. Vào thập niên 1940 - 1950, báo Tiếng Dội do ông Trần Tấn Quốc làm chủ bút mở trang sân khấu nói nhiều về nghệ thuật cải lương thu hút độc giả, bán chạy nhất lúc bấy giờ. Thời điểm này, Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn không còn mở lớp cổ nhạc, nhà nước cũng không mở cuộc thi nào về cải lương. Ông Trần Tấn Quốc nung nấu ý định về một giải thưởng riêng cho bộ môn này, giải Thanh Tâm ra đời năm 1958. Nữ nghệ sĩ Thanh Nga lãnh giải đầu tiên năm 1958, lúc đó bà 17 tuổi. Đến 1964, nghệ sĩ Lệ Thủy là người trẻ nhất nhận giải thưởng Thanh Tâm khi vừa tròn 16. Những nghệ sĩ đình đám từng nhận giải thường đặc biệt này như Lan Chi - Hùng Minh (năm 1959); Bích Sơn - Ngọc Giàu (1960); Thanh Thanh Hoa (1961); Ngọc Hương - Ánh Hồng (1962); Tấn Tài - Bạch Tuyết - Diệp Lang - Thanh Tú - Trương Ánh Loan - Kim Loan (1963); Lệ Thủy - Thanh Sang (1964)...
Trở thành tượng đài làng cải lương Việt Nam, qua 60 năm hoạt động bà vẫn đắt show. Phía sau bà luôn có hình bóng người đàn ông vững chãi, chở che và ủng hộ hết lòng trong sự nghiệp. Nữ nghệ sĩ tiết lộ, người chồng hiện tại cũng là mối tình duy nhất trong đời bà. Vào năm 1973, cô đào nổi tiếng của các sân khấu cải lương quyết định lên xe hoa cùng kỹ sư kinh tế ở trọ trước hẻm nhà mình. Họ có 3 người con đều thành đạt và ngoan ngoãn. Trong đó, Dương Đình Trí là người duy nhất theo nghiệp ca sĩ. Anh tổ chức chương trình Bước chân hai thế hệ suốt 10 năm qua, tạo tiếng vang trong và ngoài nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận