23/09/2024 15:05 GMT+7

Đã 'siêu âm' được nguyên nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ngập liên tục

Cơ quan chức năng đã "siêu âm" rõ nguyên nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ngập liên tục. "Chẩn bệnh" thành công, nhưng rất khó "điều trị" dứt điểm.

Đã 'siêu âm' được nguyên nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ngập liên tục - Ảnh 1.

Hệ thống thoát nước trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi quá tệ, mưa chưa lớn đã đầy - Ảnh: TRẦN MAI

Tận dụng mưa, Phòng Quản lý đô thị TP Quảng Ngãi đã lật các nắp hố ga, kiểm tra ống cống, đường gom nước... "siêu âm" làm rõ nguyên nhân khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ngập kinh niên, gây khó khăn cho khám chữa bệnh mùa mưa.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ngập vì thấp hơn các khu vực khác

Trong nhiều ngày qua, Công ty Môi trường Quảng Ngãi liên tục thông cống, hút tạp chất bên trong các cống thoát nước quanh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Các công nhân cho biết, đường ống ở phía đông bắc bệnh viện rất nhỏ, nhiều đoạn bị rễ cây, tạp chất bịt kín.

Khi mưa lớn, nước từ đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi... chảy tràn trên mặt đổ về trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, bởi khu vực này thấp hơn các tuyến đường quanh đó.

Với việc, cổng bệnh viện liên tục ngập, UBND TP Quảng Ngãi yêu cầu "bắt bệnh" chính xác và đưa ra giải pháp. Phòng Quản lý đô thị đã đi kiểm tra ngay trong lúc mưa để đánh giá hiện trạng.

Dù mưa không quá lớn, các hố ga trước cổng bệnh viện đều đầy nước. Trong khi đó, phía "hạ lưu" cống thoát nước thông ra đường Nguyễn Trãi chỉ ngập 20cm so với đường ống.

Kiểm tra kỹ, trước bệnh viện tỉnh có đến hai đường ống thoát nước, với hai hướng chảy. Một đường ống chỉ rộng 600mm, đường ống còn lại rộng 1.000mm.

Người dân khu vực cho biết năm 2009, khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đã ngập vì chỉ có duy nhất đường ống 600mm. Để giải quyết, chính quyền đã đầu tư thêm đường ống 1.000mm đấu nối điểm thu nước phía đông nam bệnh viện.

Hiện trạng hiện tại, đường ống 600mm đầy nước ở phía bệnh viện, nhưng khu vực hạ lưu ở đường Nguyễn Trãi, nước lại không thoát đi. Điều này chứng tỏ "phía thượng nguồn cao hơn hạ nguồn".

Còn cống 1.000mm thoát tốt nhưng quá ngắn, chỉ duy nhất một điểm thu nước nên không thoát kịp. Mỗi lần mưa to, lập tức khu vực trước cổng bệnh viện ngập sâu.

Đã 'siêu âm' được nguyên nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ngập liên tục - Ảnh 2.

Đường ống ở "hạ lưu" khô queo, còn đường ống ở "thượng nguồn" ngay bệnh viện tỉnh lại đầy - Ảnh: TRẦN MAI

Đã 'siêu âm' được nguyên nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ngập liên tục - Ảnh 3.

Cống ở bệnh viện đầy nước còn tại vị trí thoát nước chính ra đường Nguyễn Trãi lại chảy ít - Ảnh: TRẦN MAI

Giải pháp chống ngập cho bệnh viện tỉnh

Ông Trần Đình Trường - trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Quảng Ngãi - đi kiểm tra và nói: "Mưa chưa mấy hột mà cống khu vực bệnh viện đã ngập lút, nhưng nước không thoát được".

Lâu nay, việc đầu tư hệ thống thoát nước của TP Quảng Ngãi không đồng bộ, phát sinh nhiều bất cập, cao độ đường ống "mỗi nơi một kiểu" là nguyên nhân dẫn đến ngập.

Khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng ngãi "chịu trận" bởi đường ống quá tệ. Người bệnh, bác sĩ mỗi lần có mưa to lại bì bõm ra vào bệnh viện.

Giải pháp trước mắt trong đợt mưa năm nay là cử lực lượng túc trực, mở tất cả nắp ga thu gom nước, theo dõi mực nước thoát và khơi thông ở các điểm nghẽn.

Đồng thời, đi sâu vào đường ống thoát nước 1.000mm, tìm vị trí thuận lợi, làm thêm một điểm thu nước nữa.

Việc này sẽ tạm thời hạn chế ngập, sau khi mưa ngừng nước sẽ thoát nhanh hơn. Không để tình trạng ngập nặng, thoát chậm như vừa xảy ra ở trận mưa chiều 13-9.

Đã 'siêu âm' được nguyên nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ngập liên tục - Ảnh 4.

Mỗi lần mưa, công nhân môi trường lại túc trực người, thiết bị xử lý - Ảnh: TRẦN MAI

Về phương án lâu dài, ông Trường cho biết sẽ kiến nghị thi công lại đường ống dẫn nước ở khu vực. Đồng thời rà soát phía sau bệnh viện, tạo các đường ống thu gom, hỗ trợ thoát nước ra đường Trần Tế Xương thay vì đổ dồn về phía cổng bệnh viện.

"Chắc chắn muốn giải quyết căn cơ ngập ở khu vực bệnh viện, cần làm lại toàn bộ hệ thống thoát nước. Nói thật, đi mùa mưa, lật từng hố ga mới xác định chính xác. Nếu đi mùa nắng chẳng đánh giá toàn diện được", ông Trường nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP Quảng Ngãi, cho rằng ngoài làm lại đường ống khu vực bệnh viện. Việc chống ngập còn phụ thuộc vào việc thi công hồ Yên Phú (có trong quy hoạch nhưng chưa thi công) và đường ống thoát nước chính từ hồ Yên Phú ra sông Bàu Giang.

Đã 'siêu âm' được nguyên nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ngập liên tục - Ảnh 5.

Theo công nhân, đường ống ở Bệnh viện Quảng Ngãi đã nhỏ, lại còn bị hư hại, ách tắc - Ảnh: TRẦN MAI

Đã 'siêu âm' được nguyên nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ngập liên tục - Ảnh 6.

Công nhân tranh thủ thời gian điều trị tạm thời cho bệnh ngập dai dẳng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Đã 'siêu âm' được nguyên nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi ngập liên tục - Ảnh 7.Lối thoát nước như ruộng rau, người dân nói: TP Quảng Ngãi không ngập mới lạ

Nhìn bốn lối thoát nước chính của TP Quảng Ngãi như rừng cây, ruộng rau, cây cối um tùm, dòng chảy nhỏ hẹp, người dân nói: 'Không khơi thông, mưa xuống TP Quảng Ngãi không ngập mới lạ'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên