Trong hơn một thập niên qua, đề thi văn quốc gia đã từng "bẻ lái" dần với các phần kiểm tra kỹ năng đọc hiểu và nghị luận xã hội.
Nhưng "thành trì" không phá vỡ được là phần nghị luận văn học với hơn chục tác phẩm trong SGK được quay đi quay lại, cày xới đến không còn gì mới mẻ. Chiếm tỉ lệ điểm số tới 50% trong tổng điểm bài thi, phần văn học vẫn là "vedette" của đề thi và thường được đồn đoán trước để dạy tủ, học tủ.
Việc bước hẳn ra ngoài SGK không chỉ là một cái mới thúc đẩy việc xóa bỏ cách dạy học "văn mẫu" mà còn là tình thế bất khả kháng.
Bối cảnh một chương trình - nhiều SGK khác nhau của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt buộc đề thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi chọn học sinh giỏi các cấp phải sử dụng ngữ liệu nằm ngoài SGK để đảm bảo khách quan, công bằng đối với thí sinh học các SGK khác nhau.
Trên thực tế, tới năm học 2024 - 2025, các trường phổ thông đã đi một vòng khép kín thực hiện chương trình mới.
Lẽ ra, việc sử dụng ngữ liệu nằm ngoài SGK trong các đề kiểm tra văn đã phải triển khai song song với thực thi chương trình hiện hành. Tuy nhiên, thói quen dạy cũ, học cũ, kiểm tra kiểu cũ vẫn phổ biến.
Một số trường chỉ đạo tổ chuyên môn đưa dần câu hỏi có ngữ liệu ngoài SGK trong đề kiểm tra theo tỉ lệ khác nhau.
Cũng có trường sử dụng ngữ liệu nằm ngoài SGK nhưng lại thông tin trước cho học sinh về ngữ liệu đó để chuẩn bị, để được giáo viên gợi mở trước...
Lo ngại điểm số học sinh tụt thấp, lo ngại phụ huynh phản đối, lo ngại học sinh bị ảnh hưởng khi học bạ xấu, khó khăn trong việc tuyển sinh đầu cấp hay xét tuyển đại học... là những lý do khiến các trường do dự, thầy cô phải tìm cách "lách luật".
Và khi nỗi sợ này không giải tỏa thông suốt được thì câu chuyện đổi mới dạy học, đổi mới kiểm tra như mục tiêu của chương trình mới vẫn khó thực hiện hiệu quả. Các trường, các thầy cô giáo cũng chỉ loay hoay tìm cách "đối phó" để luyện cho học sinh đáp ứng đề thi kiểu mới.
Và chưa chắc chỉ đạo mới đã khép lại thời "văn mẫu" mà có thể sẽ nối dài một kiểu dạy văn mẫu khác.
Việc sử dụng ngữ liệu ngoài SGK là một chỉ đạo không chỉ có ý nghĩa với môn văn mà nhìn rộng hơn nó nằm trong định hướng thay đổi cách dạy học, kiểm tra hiện nay.
Vì "ngữ liệu" chỉ là cái vỏ bên ngoài, còn năng lực, kỹ năng mà học sinh được trang bị mới là thứ cốt lõi. Có bao nhiều thầy cô giáo, bao nhiêu nhà trường thực sự hiểu tinh thần của việc dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh?
Khi việc triển khai đã đi được một vòng khép kín, Bộ GD-ĐT cần trả lời được câu hỏi này bằng cách phân tích dữ liệu thực tế để truy tìm nguyên nhân dẫn tới sự tồn đọng và khắc phục.
Có lẽ việc bám sát thực tiễn triển khai việc "không sử dụng ngữ liệu trong SGK" ở đề kiểm tra văn là một thứ "thuốc" để nhận diện rõ nét hơn tính thực chất trong việc dạy học phát triển năng lực ở nhà trường phổ thông đã làm được tới đâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận