Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh (phó chủ tịch Hội Y học thể thao và nội soi khớp Đông Nam Á) cho biết:
Đầu tiên chúng ta nói đến chức năng dây chằng chéo trước (DCCT) là gì?
DCCT gối là một trong hai sợi dây chằng (sợi còn lại là dây chằng chéo sau) nằm bên trong gối giúp giữ cho gối không bị bán trật ra trước. Đồng thời cũng giúp kiểm soát không cho gối bị bán trật lúc xoay gối khi con người chạy, nhảy trên hai chân.
Như vậy chúng ta thấy, để đánh giá chức năng DCCT có còn tốt hay không, bác sĩ phải khám và đánh giá gối có vững không. Từ đó mới đưa ra quyết định mổ hay không.
Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước được làm ra sao?
Phẫu thuật nội soi khớp gối đã có những bước tiến dài trong việc giúp phẫu thuật viên phục hồi dây chằng chéo trước. Kỹ thuật làm hiện tại có thể hình dung như sau: bác sĩ sẽ lấy hai sợi gân khác từ gối của bạn. Sau đó qua nội soi gối bác sĩ sẽ làm một đường hầm trên lồi cầu xương đùi và một đường hầm ở mâm chày.
Sợi gân thay thế sẽ được kéo từ đường hầm mâm chày lên xương đùi và sau đó được cố định vào xương bằng vít hay dây treo với nút chặn.
Một xu hướng mới đang hình thành là khâu nối lại DCCT. Hoặc tái tạo DCCT nhưng vẫn giữ nguyên gốc dây chằng cũ và luồn gân vào gốc dây chằng. Sau đó cố định bằng nút treo hai đầu. Một số bác sĩ làm tái tạo dây chằng hai bó nhưng không nhiều.
Khi nào chỉ định mổ tái tạo dây chằng chéo trước?
Dĩ nhiên là khi nào DCCT bị đứt. Nhưng có phải tất cả các dây chằng chéo trước bị đứt đều phải mổ? Nếu dây chằng chéo trước bị đứt bán phần thì có chỉ định mổ hay không?
Đầu tiên là dây chằng chéo trước bị đứt hoàn toàn. Tuy nhiên không phải tất cả các DCCT bị đứt đều cần phải mổ. Thậm chí ngay cả các vận động viên đẳng cấp quốc tế khi bị đứt DCCT vẫn được điều trị bảo tồn không mổ với tỉ lệ thành công như mổ.
Như đã phân tích ngay từ đầu, DCCT có chức năng giữ vững khớp gối khi chạy, nhảy. Những bệnh nhân chỉ có nhu cầu đi bộ, đạp xe hay đi bơi nếu tập các nhóm cơ gối tốt vẫn không cần phải mổ.
Do vậy để có chỉ định mổ, các bác sĩ phải khám khớp gối và trả lời được các câu hỏi sau đây:
Bênh nhân có đứt DCCT và bị mất vững khớp gối hay không? Nghĩa là khi khám, gối phải bị mất vững trượt ra trước và bán trật xoay khớp gối. Bất kỳ một chỉ định mổ dây chằng nào mà chỉ dựa trên một phim MRI là sai lầm. Vì MRI chỉ cho hình ảnh tĩnh mà không trả lời được sự mất vững gối.
Đứt DCCT có kèm theo rách sụn chêm? Tổn thương sụn khớp và phù nề xương dưới sụn hay không?
Hiện nay xu hướng mổ tái tạo DCCT sẽ được chỉ định khi có tổn thương sụn chêm kèm theo hay tổn thương sụn khớp. Khi đó cuộc mổ sẽ phải chuẩn bị cho việc khâu bảo tồn sụn chêm, tái tạo sụn khớp và tái tạo dây chằng bên ngoài nếu gối mất vững nhiều, bệnh nhân trẻ, rách sụn chêm kèm theo.
Nhu cầu hoạt động thể lực của bệnh nhân ra sao?
Những bệnh nhân có nhu cầu hoạt động thể lực ít (các môn thể thao ít đòi hỏi chạy nhảy nhiều như đi bộ, đi bơi, đạp xe….), gối mất vững không nhiều, tình trạng thoái hóa gối nặng và tuổi trung niên trở lên sẽ có thể không cần phải mổ.
Thậm chí đã có rất nhiều báo cáo cho thấy các vận động viên tầm quốc tế với những điều kiện nhất định vẫn được điều trị bảo tồn không cần mổ theo một chương trình tập luyện nhất định.
Hiện nay có nhiều bệnh nhân bị chấn thương khớp gối, hoặc đau gối khi chụp MRI thấy đứt bán phần dây chằng chéo hay đứt DCCT đã được chỉ định mổ một cách vội vã. Kết quả là đau dai dẳng và còn tệ hơn trước khi mổ.
Khi nào đi mổ DCCT?
Chỉ định mổ DCCT không phải là chỉ định cấp cứu, trừ khi có tổn thương động mạch hay thần kinh kèm theo (cực kì hiếm).
Nếu có chỉ định mổ thì vẫn là mổ chương trình, nghĩa là bệnh nhân cần được tập vật lý trị liệu trước mổ, chống phù nề, nhất là khi bệnh nhân có tình trạng phù nề xương dưới sụn nặng. Thời gian chờ đợi vẫn có thể tính bằng tuần hay bằng tháng. Bệnh nhân hoàn toàn có thời gian để chuẩn bị và trao đổi với bác sĩ về cuộc mổ.
Khi MRI đọc đứt bán phần DCCT thì nên hiểu thế nào? Có hai trường hợp, một là dây chằng không đứt mà chỉ phù nề tăng tín hiệu. Các bác sĩ MRI không khám được bệnh nhân nên họ không sai khi đọc đứt bán phần DCCT.
Bản thân bác sĩ chấn thương - chỉnh hình phải khám và xem DCCT có đứt hay không hoặc DCCT có còn chức năng hay không.
Trường hợp thứ hai là DCCT có đứt. Lúc này, một lần nữa bác sĩ chấn thương - chỉnh hình phải khám thật kỹ để xem DCCT có còn chức năng giữ vững gối hay không? Nếu DCCT vẫn còn chức năng thì chỉ định mổ hoàn toàn không được đặt ra.
Các xu hướng mổ tái tạo dây chằng chéo trước hiện nay
Mảnh ghép để tái tạo. Các mảnh ghép hiện nay lấy từ bệnh nhân bao gồm gân bánh chè, gân chân ngỗng, gân cơ tứ đầu đùi, gân mác dài. Mỗi loại gân khi lấy đi đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Các bác sĩ sẽ lấy gân tùy theo nhu cầu bệnh nhân, kỹ thuật của bác sĩ.
Mảnh ghép đồng loại lấy từ người chết hiện nay chưa phổ biến ở Việt Nam vì giá thành cao và khả năng hồi phục chậm. dây chằng nhân tạo đã có từ lâu nhưng các phẫu thuật viên ít dùng vì gây viêm gối, không sinh lý để tái tạo gân.
Những cải tiến về chất lượng dây chằng nhân tạo đã được một số công ty thực hiện và giới thiệu lại thị trường, tuy nhiên số bác sĩ dùng dây chằng nhân tạo ít và chỉ định cho một số trường hợp.
Mổ 2 bó hay 1 bó. Về nghiên cứu trên người cho thấy không có sự khác biệt về chức năng khớp gối giữa phương pháp mổ 1 bó hay 2 bó.
Bệnh nhân hoàn toàn có thể thảo luận với các bác sĩ phẫu thuật cho mình về phương pháp mổ 1 bó hay 2 bó, dùng mảnh ghép gì, và chương trình luyện tập sau mổ.
Một điều cần chú ý là việc hoạt động trở lại sau mổ không đồng nghĩa là dây chằng đã được tái tạo và dây chằng hóa. Tất cả sẽ đều thất bại nếu quá trình dây chằng hóa mảnh ghép không hoàn toàn.
Mảnh ghép dù tự thân hay nhân tạo đều sẽ thất bại nếu cơ thể bệnh nhân không thực hiện được quá trình biến mảnh ghép thành chính DCCT của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận