Người dân ở đường Diên Hồng, P.1, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) phải thức đêm hứng nước chứa vào thau để dùng cả ngày (ảnh chụp ngày 25-3) - Ảnh: Q.Khải |
Để có nước dùng cho sinh hoạt, nhiều người dân phải đi xin nước giếng, mua nước đóng bình, thậm chí dùng nước kênh rạch.
Phải dùng nước kênh
Tiếp nước sạch bằng xe bồn Chiều 26-3, tại buổi làm việc giữa Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP.HCM với UBND huyện Nhà Bè về tình hình cung cấp nước sạch, UBND huyện Nhà Bè cho biết Phòng quản lý đô thị huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Nhà Bè chở nước sạch bằng xe đến bồn đặt tại các khu vực chưa có đường ống nước sạch. Ngoài ra, Nhà Bè còn xây dựng hai điểm tiếp nước tại xã Long Thới để cung cấp nước sạch tới người dân. Tính đến đầu năm nay, huyện Nhà Bè còn 29 điểm phải đưa xe bồn chở nước sạch tới. ĐỨC PHÚ |
Gần nửa tháng nay, nguồn nước cung cấp cho hơn 100 hộ dân ở đường số 12, khu phố Tam Đa, P.Trường Thạnh, Q.9 không chảy nữa. Cúp nước kéo dài khiến các hộ dân ở đây phải sử dụng nước kênh rạch.
Anh Lại Trung Tiến (75 đường số 12) cho biết mỗi ngày gia đình anh phải bơm nước kênh lên bể hai lần rồi rải phèn chua vào bể, đợi cặn lắng xuống đáy mới dám dùng tắm giặt. “Mấy ngày đầu phải mua nước đóng bình nấu ăn, tắm gội nhưng cúp nước kéo dài nên chúng tôi phải chuyển sang dùng nước kênh vì dùng nước đóng bình hoài tiền đâu chịu thấu. Tắm nước kênh cũng ớn lắm nhưng đâu còn cách chọn lựa nào khác” - anh Tiến kể.
Còn anh Phạm Quang Nghĩa (71 đường số 12) kể: “Nước cúp tới ngày thứ ba, chịu hết nổi tôi phản ảnh lên trạm cấp nước Trường Thạnh 2 thì người tiếp nhận bảo tối đó sẽ có nước, nhưng hai vợ chồng tôi đợi từ nửa đêm tới sáng mà chẳng thấy giọt nước nào chảy...”. Cũng theo anh Nghĩa, đường ống cấp nước đã được Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn lắp đặt gần ba năm nay. Thời gian đầu áp lực nước mạnh nên người dân vui mừng lắm. Tuy nhiên, hơn nửa năm trở lại đây nước cứ yếu dần, có hôm cúp tới nửa đêm mới có và khoảng nửa tháng nay cúp hẳn. “Nhiều hôm nước kênh cạn thấy rác nổi lềnh bềnh, nước sẫm đen nhưng phải cắn răng bơm lên lắng lọc mà tắm rửa đỡ chứ trời nóng bức thế này ở dơ chịu sao nổi” - chị Nguyễn Thị Ngọc Thư, vợ anh Nghĩa, kể khổ.
Tình trạng cúp nước cũng xảy ra ở khu vực đường Diên Hồng, P.1, Q.Bình Thạnh (bên hông chợ Bà Chiểu). Ngày 25-3, ông Trần Ngọc Sơn (ngụ đường Diên Hồng) gọi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ bức xúc: “Chưa bao giờ người dân chúng tôi phải khổ sở vì thiếu nước giữa lúc nóng bức thế này”. Đến nhà ông Sơn, chúng tôi thấy ở góc nhà có 5-6 thau lớn, nhỏ chứa nước. Ông Sơn kể để hứng được mấy thau nước này, cả nhà ông phải thay phiên nhau canh từ 2g-4g sáng. Theo ông Sơn, nước máy ở khu vực nhà ông trước đây chảy mạnh lên tới lầu 1, nhưng từ tuần trước nước đột ngột yếu dần rồi cúp luôn khiến cả xóm nháo nhào đi xin nước của một vài hộ có giếng khoan.
Ông Nguyễn Văn Hùng, tổ trưởng tổ dân phố 42, P.1, Q.Bình Thạnh, cho biết chỉ tính riêng tổ 42 đã có trên 40 hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước sạch...
Phải chờ xin phép đào đường...
Cúp nước kéo dài, người dân P.1, Q.Bình Thạnh gọi điện báo cho Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định thì ở đây thông báo đường ống khu vực trên bị bể ngầm, nhưng việc xin phép đào đường để sửa chữa đường ống nước chưa được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng nên phải chờ...
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định, xác nhận tình trạng nước yếu, cúp nước tại khu vực đường Diên Hồng là do đường ống bị bể ngầm như người dân phản ảnh. “Chúng tôi cũng rất sốt ruột, muốn đào đường sửa chữa cho xong vì sự cố trên không chỉ làm người dân thiếu nước, ngành nước thất thu mà còn có nguy cơ gây ra hố tử thần” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, vướng mắc lớn nhất khiến sự cố bể ống nước không được sửa chữa kịp thời là đường Diên Hồng và các tuyến hẻm ở đây mới được nâng cấp (theo dự án nâng cấp đô thị TP), quá trình xin giấy phép đào đường gặp khó khăn. “Chúng tôi đã làm việc với UBND Q.Bình Thạnh, Sở Giao thông vận tải TP và các bên đã thống nhất sẽ cấp phép đào đường sửa chữa đường ống trên trong vòng hai ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ. Sau khi được cấp phép chúng tôi sẽ sửa ngay” - ông Hùng cho biết.
Còn ông Nguyễn Quang Trưởng - phó phòng quản lý cấp nước Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn TP - cho biết do thời điểm mùa khô nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước tăng cao nên khu vực đường số 12, P.Trường Thạnh, Q.9 (ở cuối nguồn) nước chảy vào rất yếu, thường nửa đêm mới chảy tới. “Khi nước vừa chảy vô thì những hộ đầu nguồn đã hứng hết nên những hộ cuối nguồn không có nước để sử dụng” - ông Trưởng nói.
Theo ông Trưởng, trước mắt trung tâm sẽ lắp hai cái van và thay máy bơm mới tại trạm cấp nước để tăng áp suất cuối nguồn. Theo đó, công suất hiện tại của trạm là 950 m3/ngày đêm, nếu thay bơm mới công suất sẽ tăng lên 1.100-1.200 m3/ngày đêm. Nhưng ông Trưởng cũng thừa nhận việc tăng công suất máy bơm vẫn chưa đủ đáp ứng nước sạch cho người dân sử dụng. Theo ông Trưởng, trung tâm đã làm đơn gửi UBND P.Trường Thạnh kiến nghị đào một giếng khoan tại khu vực đường số 12 để tiếp thêm nước về trạm xử lý nhằm tăng nguồn nước phục vụ người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận