Những ngày này, chiếc xe của đội quy tắc đô thị phường Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam... (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) quần thảo liên tục ở quanh các khu đô thị trống trải để bắt bò.
Đà Nẵng tiếp tục thuê người bắt chó, bò thả rông để xử phạt
Thuê người bắt bò lang thang
Ở con đường cụt tại khu đô thị Phước Lý - điểm nóng về tình trạng bò thả rông tràn vào nhà dân, phóng uế giữa đường gây bức xúc lâu nay, chiếc xe tải đội quy tắc đô thị Hòa Minh tiến tới nơi một con bò cái đang được ràng dây bên đường ven đô.
Một thanh niên mang khẩu trang, đầu sụp mũ vải che kín mặt, cầm sợi dây thừng từ từ tiến lại nơi con bò đang đứng. Sau vài động tác thành thục, sợi dây thừng đã nằm giữa cổ bò.
Ngay lập tức chủ bò xuất hiện. Người này cố giải thích rằng bò là sinh kế, được gia đình duy trì từ khi khu đô thị chưa hình thành ở xa trung tâm thành phố. Tuy nhiên cán bộ quy tắc đô thị viện dẫn các quy định hiện hành và yêu cầu chủ bò không chống đối.
Tại trụ sở UBND phường Hòa Minh nhiều ngày qua thỉnh thoảng lại có cảnh dở khóc dở cười. Nhiều chủ bò sau nhiều ngày thả bò lang thang tự đi kiếm ăn, khi kiểm đếm lại thấy thiếu bò nên chạy lên phường trình báo.
Khi biết bò mình "vi phạm" và bị bắt giữ thì chủ bò nửa mừng nửa buồn vì biết số tiền phạt 400.000 đồng/vụ và trả tiền "tạm giữ" bò với mức 200.000 đồng/con/ngày.
Lâu nay chỉ nhắc nhở
Các khu đô thị ở Hòa Xuân, Hòa Khánh Nam, Hòa Minh... (Đà Nẵng) nhiều năm nay tràn ngập vấn nạn bò thả rông. Không chỉ lang thang, nằm ngáng giữa đường, bò còn lục lọi vào nhà dân phóng uế bừa bãi khiến người dân bức xúc.
Phó chủ tịch UBND phường Hòa Minh Phạm Ngọc Lãnh nói lâu nay đã có quy định về việc xử lý chủ bò chăn nuôi trong khu vực đô thị, tuy nhiên chính quyền chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở.
"Chỉ riêng phường Hòa Minh hiện tại có tám chủ với 80 con bò. Bò hằng ngày thả rông đi giữa đường, vừa mất an toàn giao thông vừa phóng uế bừa bãi. Chúng tôi mời bà con lên giải thích, rồi ký cam kết nhưng vẫn không được nên buộc lòng phải xử lý.
Mỗi tuần phường huy động lực lượng đi tuần tra, thuê người từ thợ lò mổ để bắt bò thả rông. Mỗi vụ như vậy chủ phải nạp phạt 400.000 đồng, cộng thêm tiền trả cho nơi tạm giữ bò 200.000 đồng/con/ngày. Căn cứ xử phạt áp dụng theo điểm b, điểm e, điều 7, nghị định 144/2021" - ông Lãnh nói.
Theo ông Lãnh, tính tới ngày 20-11 phường Hòa Minh đã bắt nhốt được bảy con bò thả rông. Việc này sẽ tiếp tục duy trì cho tới khi các khu đô thị không còn bò lang thang.
Không chỉ Liên Chiểu, rất nhiều quận xa trung tâm tại Đà Nẵng cũng lập các đội xử lý bò thả rông. Thay vì để bò tràn ra đô thị, hiện nay việc mạnh tay từ chính quyền đã khiến ít nhiều các chủ bò e sợ.
Nhiều người dân ở ven đô Đà Nẵng cho biết họ rất ủng hộ việc mạnh tay xử lý chó, bò thả rông. Bà Hứa A Mùi, huyện Hòa Vang, nói rằng rất nhiều lần bà đi đường và bị bò lao vào xe, học sinh cũng gặp tai nạn tương tự.
"Lúc bò gây tai nạn thì chủ trốn biệt, tôi đề nghị phường nào có bò thả rông thì nơi đó bắt xử lý triệt để, cứ làm rát vài tháng, vài năm cho chủ vật nuôi chừa bớt, chứ phố mà nuôi bò lông nhông là không coi được" - bà Mùi nói.
Rầm rộ ra mắt các đội bắt chó
Không chỉ bò, nhiều phường tại Đà Nẵng từ đầu tháng 11 này cũng lập các tổ và ra mắt khu dân cư kế hoạch bắt chó thả rông.
Ông Trần Lê Quốc Huy - phó chủ tịch UBND phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) - cho biết phường đã ra mắt đội xử lý, bắt nhốt chó thả rông. Đội này được thành lập sau văn bản triển khai của Sở NN-PTNT.
Theo ông Huy, riêng Thạc Gián có 20 khu dân cư, trong đó 5 khu vực thường xuyên xuất hiện chó thả rông không được rọ mõm. Trước việc dân ý kiến liên tục, phường Thạc Gián đã lập đội bắt chó thả rông với lực lượng gồm y tế, dân phòng, công an, quy tắc đô thị... Những người làm nhiệm vụ được tiêm phòng vắc xin, tập huấn kỹ năng bắt chó kỹ càng.
Những ngày đầu tháng 11, đội xử lý chó thả rông này diễu hành qua các khu dân cư để quán triệt, thông báo cho người dân nắm bắt. Dự kiến cuối tháng 11 việc bắt chó sẽ bắt đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận