Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nói phải tính toán khả năng trả nợ trước khi đi vay - Ảnh: HỮU KHÁ |
Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, giai đoạn từ 2011-2015, TP Đà Nẵng đã triển khai 13 dự án từ nguồn vốn ODA (7 dự án đầu tư, 6 dự án hỗ trợ kỹ thuật) với tổng vốn khoảng 700 triệu USD.
Theo ông Tuấn, các dự án ODA có quy mô lớn đã góp phần quan trọng trong đầu tư, nâng cấp, thay đổi bộ mặt đô thị và hạ tầng Đà Nẵng.
Ngoài ra, các dự án này còn góp phần cải thiện điều kiện y tế (trang bị máy móc, thiết bị tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư); nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để thành phố 5 năm liền (2008-2013) dẫn đầu cả nước về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, khi nói về việc vay vốn ODA để đầu tư, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng “vay rồi phải trả nợ nên phải tính toán làm sao sử dụng tiền hiệu quả. Đồng thời phải có phương án trả nợ trước khi đi vay. Bởi vay càng nhiều thì càng nguy hiểm, vì vậy vay bao nhiêu tiền cần tính toán để phù hợp với khả năng trả nợ".
Theo ông Thơ, với các dự án có vốn ODA vừa qua, Ngân hàng thế giới đánh giá TP Đà Nẵng sử dụng vốn vay hiệu quả, cách làm bài bản. Hiện TP đang cần hàng chục ngàn tỉ đồng đầu tư 7 dự án lớn như cảng Liên Chiểu, di dời nhà ga đường sắt Đà Nẵng, dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, dự án cấp nước Hòa Liên…
Tuy nhiên, nếu không có nguồn vốn ODA thì việc triển khai dự án là rất khó khả thi, TP đang tính toán kết hợp vay và các nguồn đầu tư khác bởi vì “vay thì phải trả”.
Ông Thơ cũng cam kết rằng nguồn thu ngân sách của Đà Nẵng hiện nay mỗi năm khoảng 20.000 tỉ đồng, vì vậy TP có điều kiện cân đối để trả nợ khi vay.
Kết luận cuộc làm việc, phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết thu hút đầu tư nước ngoài của Đà Nẵng những năm qua đạt thấp dù TP này có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng đầu cả nước.
Theo phó thủ tướng, nguyên nhân là do Đà Nẵng chọn công nghệ cao, công nghệ sạch và không muốn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án có ảnh hưởng đến môi trường tại TP.
Về vốn vay ODA, phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng Đà Nẵng chỉ đứng sau Hà Nội và TP.HCM về các dự án sử dụng vốn ODA. Các năm qua nguồn ODA đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, so với nhiều nơi có thể thấy là năng lực quản lý dự án, sử dụng nguồn vốn TP Đà Nẵng làm rất tốt, hiệu quả.
Theo phó thủ tướng Phạm Bình Minh, đến năm 2017 nguồn vốn ODA ưu đãi, lãi suất thấp sẽ không còn nữa. Nếu ngân hàng thế giới cắt Việt Nam khỏi các nước được vay ưu đãi thì chắc chắn không còn nguồn vay ưu đãi, còn nguồn vay khác thì sẽ cao hơn.
“Việc sử dụng nguồn vốn vay phải hết sức cẩn thận phù hợp với khả năng trả nợ. TP Đà Nẵng phải cân nhắc khi vay vốn cho 7 dự án sắp tới, có khả năng trả nợ mới dám vay.” - phó thủ tướng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận