12/12/2013 06:05 GMT+7

Đà Nẵng thiếu điểm vui chơi

PHAN CHUNG
PHAN CHUNG

TT - Công viên trung tâm và nhiều khu vui chơi công cộng trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn chưa là điểm vui chơi của người dân. Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có 25 khu vui chơi công cộng nhưng 80% trong số đó đã ngừng hoạt động.

iH132FlQ.jpgPhóng to
Các em học sinh chơi bi bên cạnh công viên Bình Kỳ với các thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng - Ảnh: P.Chung

Công viên 29-3 vốn là điểm vui chơi công cộng của người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, ngoài việc đi bộ trên con đường quanh bờ hồ và ngồi ghế đá ngắm cảnh quan thì nơi đây có rất ít tiện ích phục vụ việc tập thể dục, vui chơi của người dân. Tại khu vực dành cho người lớn, các thiết bị hỗ trợ tập tay, chân và hông được lắp đặt qua loa, nhiều ốc vít bị mất và hư hỏng. Tương tự, khu vực vui chơi dành cho trẻ em ở gần đó cũng rất đơn điệu, chỉ được lắp đặt một vài thiết bị như xích đu, cầu trượt, máng trượt. Khu vườn thú cũng chỉ có năm loài gồm nai, khỉ, cá sấu, trăn và cầy với số lượng đếm trên đầu ngón tay. Tại khu vực phía bắc công viên 29-3 còn tập trung khá nhiều trò chơi có thu tiền của các đoàn biểu diễn. Tuy nhiên vài ba tháng, thậm chí đến dịp tết, những khu vui chơi này mới mở cửa đón khách.

Những khu vui chơi cấp phường trong địa bàn thành phố cũng không khá hơn. Năm 2000, công viên Bình Kỳ (P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn) được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 1,5 tỉ đồng, có khá nhiều tiện ích phục vụ trẻ em và người lớn như xích đu, máng trượt, sân bóng chuyền... Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây công viên đã xuống cấp, các xích đu bị đứt gãy, tường rào ngã đổ, sân bóng chuyền cỏ dại mọc um tùm... Cách đó khoảng 2km, khu vui chơi Khái Tây được xây dựng với kinh phí 300 triệu đồng cũng rơi vào cảnh các hạng mục cũ nát, xuống cấp. Người dân đã dùng sân bãi khu vui chơi này làm nơi chăn thả trâu bò. Tại quận Thanh Khê, các khu vui chơi Thạc Gián, Hòa Khê, Xuân Hà... cũng không hoạt động hiệu quả. Mới đây, UBND quận Thanh Khê đã đồng ý đập bỏ khu vui chơi Thanh Khê Đông để làm nhà sinh hoạt cộng đồng do bỏ hoang đã nhiều năm nay.

Ông Lê Chánh, phó giám đốc Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng, cho biết việc công viên 29-3 thiếu các tiện ích phục vụ miễn phí người dân là do vướng quy hoạch. “Từ năm 2010, khu vực mặt tiền ở phía bắc công viên rộng khoảng 2ha đã được phê duyệt cho dự án bãi đỗ xe ngầm của thành phố nên mọi hoạt động xây mới, lắp đặt các tiện ích tại đây đều phải dừng lại. Hiện chỉ có khu vực này đủ rộng để đầu tư thêm các hoạt động thể dục, giải trí bởi diện tích ở ba mặt còn lại của công viên là quá hẹp” - ông Chánh cho biết.

Còn ông Nguyễn Hữu Chiến, phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng, cho biết phần lớn khu vui chơi trên địa bàn đều được xây dựng hơn mười năm trước nên đã bị xuống cấp, hư hỏng. Trong những năm gần đây, việc bổ sung kinh phí để duy tu, bảo dưỡng rất hạn chế, một phần vì các khu vui chơi này hoạt động không còn hiệu quả. “Chúng tôi vừa đề xuất thành phố xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó có việc giao cho Đoàn thanh niên cơ sở quản lý, khai thác các khu vui chơi. Ngoài ra, trong điều kiện khó khăn về kinh phí như hiện nay, những điểm vui chơi xuống cấp sẽ đề xuất tháo dỡ, sau đó cho các hộ tư nhân thuê lại mặt bằng để tổ chức các trò chơi có thu tiền” - ông Chiến cho biết.

PHAN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên