Do vậy quá trình thực hiện cũng sẽ đảm bảo tính tuần tự, từng bước thí điểm theo hướng kết hợp hài hòa với các mô hình kinh tế tương đồng đã có sẵn khung cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang - giám đốc VCCI miền Trung - Tây Nguyên, khu thương mại tự do không mới với thế giới và Đà Nẵng có thể tận dụng "lợi thế của người đi sau".
Theo phân tích của ông Quang, với những lợi thế về hạ tầng đang có thì hầu hết các mục tiêu công nghiệp và dịch vụ trong tầm nhìn của Đà Nẵng đều trùng khớp với những ngành công nghiệp, dịch vụ nào phổ biến trong các khu thương mại tự do ở các nước như điện tử tiêu dùng, bán dẫn - vi mạch, thiết bị năng lượng sạch, ô tô, tàu thủy, máy bay, logistics, thương mại điện tử...
Ông Trần Thoang, giám đốc Công ty tư vấn chiến lược hải quan - thương mại CT Strategies (CTS) Việt Nam, cho rằng khu thương mại tự do đặc biệt nhất là nhờ các chính sách ưu đãi về quản lý kho bãi, hải quan..., những điều không có ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngoài ra, một trong những đặc trưng của khu thương mại tự do là tính độc lập rất cao.
Các cơ quan quản lý nhà nước không nhất thiết phải có trụ sở trong khu thương mại tự do mà mọi hoạt động đều theo cơ chế một cửa điện tử.
"Một khi xác định khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu thì khi xây dựng các chính sách cần hướng tới các cơ chế thủ tục liên quan đến tàu biển, cảng phải có sự thay đổi phương pháp, quy trình thủ tục theo chuẩn mực quốc tế...", ông Thoang nói.
Ông Hồ Kỳ Minh, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết phần lớn khu thương mại tự do sẽ được triển khai trên phần đất huyện Hòa Vang.
"Đây là cơ hội lớn để huyện Hòa Vang phát triển, hiện đại đô thị đặc biệt là việc kết nối hạ tầng, giao thông. Dư địa về đất đai ở huyện Hòa Vang còn khá lớn sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thu hút các dự án có quy mô lớn", ông Minh nói.
Chống rửa tiền, gian lận trong khu thương mại tự do
Ông Trần Thoang cho rằng song hành cùng sự cởi mở cũng cần nhìn nhận thấu đáo các góc cạnh tối của khu thương mại tự do. Khi khu thương mại tự do được coi là nằm ngoài "lãnh thổ hải quan" thì thủ tục hải quan và kiểm soát biên giới cần thiết được áp dụng và thực thi đúng cách.
"Từ thực tế các nước có rất nhiều vấn đề phát sinh như việc lợi dụng nơi đây để rửa tiền, làm nhái hàng hóa, gian lận xuất xứ... Tôi cho rằng ở đây cần vai trò đặc biệt xuất sắc của hải quan về phương pháp quản lý từ xa.
Rất nhiều vấn đề phát sinh cần phải quản lý hết. Kinh nghiệm từ Mỹ là họ xử phạt rất nghiêm. Như mỗi trường hợp khai báo hải quan sai sự thật có thể bị phạt đến 250.000 USD và thậm chí tới hai năm tù.
Nếu nặng hơn có thể bị đóng cửa nhà máy. Do vậy mới hạn chế được trường hợp làm ăn gian lận, vào hưởng chính sách làm được vài năm rồi rút đẹp", ông Thoang nói.
Trong giai đoạn đầu triển khai Đà Nẵng cần chọn những nhà đầu tư chiến lược, uy tín. Đồng thời rà soát tiềm lực nhà đầu tư từ trước khi họ đặt chân đến.
Châu Á xây dựng khu thương mại tự do như thế nào?
Trong nhiều năm qua, các khu thương mại tự do (FTZ) đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và đổi mới chính sách tại nhiều quốc gia châu Á. Tiêu biểu như ở Trung Quốc, với sự thành công rực rỡ của FTZ đầu tiên ở TP Thượng Hải (thành lập năm 2013), Bắc Kinh đã nhân rộng mô hình này lên thành 21 FTZ vào năm 2023.
Mỗi FTZ ở Trung Quốc được xây dựng dựa trên những đặc điểm phát triển kinh tế đặc thù, bao gồm các khu vực thuận lợi cho kinh tế công nghệ, tài chính, sản xuất hiện đại, logistics... hoặc những nơi dễ dàng thúc đẩy việc giao thương với một khu vực cụ thể như Đài Loan, các nước Đông Á...
Điểm chung của các FTZ Trung Quốc là nới lỏng các chính sách hải quan, tinh giản thủ tục, giảm giới hạn cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư. Đặc biệt, các FTZ thường được chọn là nơi thí điểm các chính sách kinh tế mới nhằm hướng đến việc nhân rộng chúng ra cả nước.
Một trong những chính sách được "thai nghén" từ FTZ và đến nay đã thành công trên cả nước là việc ban hành danh mục mà doanh nghiệp nước ngoài được phép đầu tư vào tất cả lĩnh vực, ngành nghề không có tên trong danh mục đó, giúp các nhà đầu tư yên tâm tiến hành hoạt động kinh tế ở Trung Quốc.
Hàn Quốc duy trì mô hình khu kinh tế tự do (FEZ) gần tương đồng với FTZ của Trung Quốc. Đến năm 2020, Hàn Quốc đã thành lập được bảy FEZ và đang trong quá trình triển khai hai khu mới. Hai FEZ lâu đời nhất của nước này là khu Incheon (thành lập năm 2003) với trọng tâm phát triển logistics, công nghệ và khu Busan - Jinhae tập trung vào hàng hải.
Tại Đông Nam Á, hầu hết các nước cũng không có khái niệm FTZ cụ thể. Tuy nhiên, với việc gần như miễn hoàn toàn thuế quan, Singapore có thể được xem là một cảng hàng hải thương mại tự do.
Trong khi đó, Malaysia cũng có nhiều khu vực tự do riêng để ưu tiên việc phát triển những lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Nhìn chung, các khu FTZ hoặc tương tự trong khu vực châu Á đều được xây dựng với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy cạnh tranh.
Các mô hình này hoạt động dựa trên cơ sở chính sách thuế hấp dẫn, điều kiện đầu tư, giao thương thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài và có khả năng kết nối mạnh mẽ với những trung tâm kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận